Chính sách

Lo ngại việc mở rộng đối tượng dùng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp gây nhiều bất cập

DNVN - Góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn những doanh nghiệp có phần vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thuộc đối tượng tác động của luật.

Vì sao nhà đầu tư tư nhân ngần ngại với dự án PPP? / Xây dựng sàn giao dịch việc làm, khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao trong nước

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm cả các doanh nghiệp (DN) có phần vốn đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là vì trường hợp một số vụ án diễn ra tại các DN thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội xảy ra tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh… có sự lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69).

Từ việc tham vấn DN và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc yêu cầu các DN trong các vụ án trên phải áp dụng luật này là rất cần thiết.


Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu mở rộng ra toàn bộ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp lại gây nhiều vấn đề bất cập.

Theo phân tích của VCCI, hiện nay, nhiều các tổ chức này, đặc biệt là nhóm các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đã tự chủ tài chính, không nhận hoặc nhận rất ít sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

DN do các tổ chức này góp vốn hiện được thành lập và hoạt động theo pháp luật chung về DN. Các DN này thường được thành lập và kinh doanh nhằm cung cấp dịch vụ cho hội viên, tạo nguồn thu bền vững cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp cũng như tạo việc làm cho hội viên.

Các DN này không nhận bất kỳ sự ưu đãi, ưu tiên nào từ phía Nhà nước, và thường cũng phải cạnh tranh với DN thuần tuý tư nhân khác kinh doanh trong cùng lĩnh vực.

Đối với những DN này, nếu phải áp dụng các quy định của Luật 69, như hạn chế về lĩnh vực kinh doanh, điều kiện, thủ tục ra các quyết định tăng giảm vốn góp, chế độ báo cáo, yêu cầu và thủ tục cơ cấu lại…. sẽ hạn chế đáng kể hiệu quả hoạt động của các DN mà không mang lại tác động tích cực rõ ràng nào.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn những DN có phần vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thuộc đối tượng tác động của luật.

Cơ quan soạn thảo có thể cần nhắc phương án chưa bao gồm các DN có vốn góp của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hoặc căn cứ vào mức độ hỗ trợ, nhận kinh phi từ ngân sách của tổ chức đó để xác định đối tượng tác động cho phù hợp.

Ngoài ra, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin DN Nhà nước. Có thể căn nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt các trường hợp DN Nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại DN.

Theo đó, trong trường hợp bên mua ngay tình (không biết và không có nghĩa vụ phải biết) trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch, thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua được pháp luật bảo vệ.

Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu gia độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm