Chính sách

PGS.TS Giang Thanh Long: Cần cung cấp động lực cho doanh nghiệp để giữ chân công nhân

DNVN - Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Giang Thanh Long- Giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, lao động rời phố về quê là hậu quả tất yếu khi không khôi phục sản xuất kịp thời. Ngoài chính sách an sinh cho người lao động, Nhà nước cần cung cấp động lực cho doanh nghiệp để giữ chân công nhân.

Nâng chất lượng nhân lực ngành logistics để tăng năng lực cạnh tranh / Chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố báo cáo đánh giá thực trạng 2 điểm nghẽn là đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội chưa bảo đảm. Từ các số liệu thu thập trong quý II, báo cáo đã nhấn mạnh đến nguy cơ đứt gãy nguồn lao động. Tuy nhiên, đến nay bức tranh lao động đã có nhiều thay đổi với việc số lượng lớn người lao động từ các vùng dịch ồ ạt về quê. Theo khảo sát nhanh của Tổng cục thống kê, đã có gần 1 triệu lao động rời phố về quê. Đại diện đơn vị này nhận định chuỗi cung ứng lao động đã thực sự đứt gãy. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Giang Thanh Long: Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4) đã có tác động tiêu cực, nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh. Hàng chục triệu người lao động đã bị mất việc, giãn thời gian làm việc, dừng hợp đồng lao động… do sản xuất bị gián đoạn trong quá trình giãn cách xã hội.
Việc lao động phải rời bỏ thành phố để quay về quê là hậu quả tất yếu của việc không khôi phục sản xuất kịp thời. Trong khi người lao động - chủ yếu là người di cư từ các tỉnh khác tới các “vựa việc làm” như khu vực Đông Nam Bộ - hầu như mất sinh kế, kiệt quệ về cả kinh tế lẫn tinh thần sau một thời gian dài giãn cách xã hội, không có hoặc ít việc làm.

PGS.TS Giang Thanh Long.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Trung ương và UBND các tỉnh đã có những chương trình hỗ trợ nhất định qua các chính sách, chương trình lớn. Tuy nhiên, đánh giá của một số báo cáo cho thấy, hơn 50% số lao động mất việc cho rằng họ không thể trụ quá 1 tháng và mức hỗ trợ thực tế chỉ là một lần và rất thấp so mức sống tối thiểu.
Đúng là bức tranh lao động hiện nay đã có nhiều thay đổi. Và tôi muốn nhấn mạnh việc lao động di cư ngược về quê là tất yếu và điều này thách thức ở cả hai nơi. Nơi người lao động dời đi sẽ thiếu nhân công, gây đứt gãy nguồn cung lao động. Trong khi đó, nơi người lao động trở về sẽ đối mặt với những thách thức nhất định về bảo đảm công tác phòng, chống đại dịch và tạo việc làm tại địa phương.

Người lao động ồ ạt về quê trong khi tài chính kiệt quệ, tâm lý, sức khỏe... bị ảnh hưởng không nhỏ bởi COVID-19. Là người nghiên cứu sâu về an sinh xã hội, ông có nhận định gì về việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động chịu tác động bởi đại dịch?
PGS. TS Giang Thanh Long: Thực tế cho thấy Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và các địa phương đã rất chủ động trong việc đưa ra các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nói riêng và người dân nói chung trong quá trình giãn cách xã hội và phong tỏa để phòng, chống đại dịch.
Các gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/2021 của chính phủ, Nghị quyết 03/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội… đã được triển khai, hỗ trợ hàng chục triệu người dân, người lao động gặp khó khăn và phần nào đó đã giúp họ khắc phục được các thách thức về mất sinh kế, giảm thu nhập…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, việc triển khai chính sách còn nhiều khó khăn do các rào cản trong quy định đối với đối tượng thụ hưởng. Chẳng hạn phải hoàn thành các loại giấy tờ chứng nhận thì mới có thể thụ hưởng nhưng thực tế thì không thể hoặc rất chậm do giãn cách xã hội; tham gia BHXH nhưng do doanh nghiệp nợ đóng BHXH nên không được giải quyết; hộ kinh doanh muốn nhận hỗ trợ thì phải có đăng ký kinh doanh nhưng thực tế nhiều hộ không có đăng ký…).
Đặc biệt, nhóm lao động tự do (hay lao động phi chính thức – những người không có giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH) có xu hướng tăng lên trong hai năm vừa qua và luôn đối mặt với công việc không ổn định, nguy cơ mất sinh kế cao lại là đối tượng nhận hỗ trợ chậm do nhiều rào cản như khó xác định về công việc và nơi cư trú…
Trong báo cáo nghiên cứu của Trường học Kinh tế quốc dân công bố hồi tháng trước, nhóm nghiên cứu do ông đứng đầu đã kiến nghị 6 giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội. Vậy, theo đánh giá của ông, đến thời điểm này, các khuyến nghị được triển khai trên thực tế ra sao, kết quả như thế nào so với mong đợi của nhóm nghiên cứu?
PGS. TS Giang Thanh Long: Một điểm hết sức tích cực là chính sách của Chính phủ cùng với các chương trình an sinh xã hội của các địa phương đã thay đổi nhanh chóng theo hướng mở rộng độ bao phủ đối với mọi người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo PGS. TS Giang Thanh Long, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động còn nhiều khó khăn do các rào cản trong quy định với đối tượng thụ hưởng.
Ví dụ, nhóm lao động tự do đã được chính quyền các địa phương, đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do kéo dài giãn cách xã hội, xác định nhanh chóng và chuyển các gói hỗ trợ tiền và hiện vật phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 03/UBTVQH ngày 24/9/2021 về việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự kiến hỗ trợ cho 13 triệu lao động và 386 ngàn đơn vị sử dụng lao động…
Báo cáo gần đây nhất cho thấy, do đại dịch đã dần được kiểm soát nên việc thực hiện các chính sách này đã thuận lợi hơn. Số người và đơn vị hưởng đã tăng lên rõ rệt qua từng ngày. Chưa có đánh giá cụ thể về mặt tác động của các khoản hỗ trợ này nhưng cá nhân tôi cho rằng, chúng giúp cho người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch cùng người lao động, người sử dụng lao động được giảm bớt phần nào những khó khăn mà họ đối mặt trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch lần thứ tư.
Một điểm đáng chú ý trong phần kiến nghị của nhóm nghiên cứu đối với Chính phủ là xử lý tình trạng khẩn cấp bằng việc tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Công đoàn…) để hỗ trợ các đối tượng cần. Thực tế, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được Chính phủ triển khai và một bộ phận người lao động đã được thụ hưởng. Tuy nhiên, Quỹ Công đoàn vẫn "im ắng". Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS. TS Giang Thanh Long: Việc sử dụng các quỹ cần có các quy trình pháp luật và phải được sự nhất quán, đồng ý của các bên liên quan (như Quốc hội, Chính phủ…) thì mới có thể đưa ra chính sách cụ thể. Thực tế cho thấy, nếu việc triển khai các quỹ, như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã đề cập ở trên, có thể đủ để tiếp cận các nhóm cần hỗ trợ, việc có sử dụng hay không các quỹ khác (như Quỹ Công đoàn) sẽ được quyết định vào thời điểm thích hợp.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cho các tỉnh, khu công nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thu hút người lao động trở lại thành phố trong thời điểm này thực sự là bài toán nan giải. Vậy theo ông, các quan quản lý cần thực hiện những giải pháp, đặc biệt là giải pháp trước mắt nào để giải quyết bài toán này?
PGS. TS Giang Thanh Long: Để giải quyết bài toán thiếu hụt, đứt gãy chuỗi lao động cho sản xuất, cần phải giải quyết ở cả hai đầu của thị trường. Đó là cầu lao động - tức phía doanh nghiệp với các hoạt động cụ thể để họ khôi phục và phát triển sản xuất và cung lao động - tức là phía người lao động.
Nghiên cứu của các chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chỉ ra các việc cần phải làm là:
Về phía cầu lao động, cần phải khôi phục sản xuất thì mới khôi phục được việc làm và cầu về lao động. Do đó, cần có chính sách an ninh việc làm. Tức là cung cấp động lực cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động thông qua trợ cấp tiền lương, giãn thuế và đóng góp an sinh xã hội và tiếp cận với các hình thức hỗ trợ kinh doanh khác nhau để có điều kiện để giữ chân người lao động.
Cùng với đó, cần có những chính sách khôi phục việc làm nhưng hạn chế tối đa bất bình đẳng hiện có liên quan đến giới, thanh niên và lao động nhập cư…
Ở giai đoạn dài hơn, từ những tác động tiêu cực của COVID-19 như chúng ta đã chứng kiến, cần có các chính sách phát triển vùng hướng tới mục tiêu “ly nông không ly hương”, bảo đảm “an cư, lạc nghiệp” và tăng khả năng chống chịu cho người lao động, tránh rủi ro tổn thương có thể xảy ra trong những khủng hoảng tiếp theo do hạn chế khả năng tiếp cận với kỹ thuật số hoặc các nguồn lực khác.
Về phía cung lao động, cần tiếp tục triển khai hiệu quả gói hỗ trợ đã có, trong đó cần ưu tiên người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Tăng cường hỗ trợ tìm kiếm việc làm và kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm liên thông thị trường lao động toàn quốc. Tiếp tục sử dụng hiệu quả hỗ trợ đào tạo cho người bị thất nghiệp. Cần có các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa nhanh chóng kết nối cung - cầu lao động. Theo đó, có thể hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống cho người lao động tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm