Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao các khu công nghiệp ở Đà Nẵng khó thu hút “đại bàng”?

DNVN - UBND TP Đà Nẵng chỉ rõ những nguyên nhân khiến sau 25 năm hình thành và phát triển, các KCN trên địa bàn vẫn chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn đủ tầm quốc gia như Thaco Trường Hải, Becamex Bình Dương.

"Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN / Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan lần đầu tiên thăm Đà Nẵng

Chính sáchưu đãi, hỗ trợ đầu tư còn hạn chế

Tuy có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nhưng đến nay các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn vẫn chưa thu hút được những doanh nghiệp (DN) “đại bàng” đóng vai trò dẫn dắt cho nền công nghiệp địa phương. Hiệu quả sử dụng đất tại các KCN ở Đà Nẵng chưa bằng 50% so với bình diện chung cả nước và chỉ bằng 25% so với các KCN tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Nhiều KCN ở Đà Nẵng nhiều khu có diện tích rất nhỏ như KCN Đà Nẵng 50,1ha.

Nhiều KCN trên địa bàn Đà Nẵng có diện tích rất nhỏ, như KCN Đà Nẵng chỉ có 50,1ha.

Về nguyên nhân của tình hình này, theo UBND TP Đà Nẵng, quy mô thị trường TP và trong vùng còn nhỏ lẻ, sức mua thấp; điều kiện địa lý trải dài, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển. Khả năng cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với các trung tâm công nghiệp lớn trong nước còn thấp.

Sự cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng và trong cả nước ngày càng gay gắt nên việc thu hút các dự án đầu tư, phát triển công nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Sự thay đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng từ công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp trong điều kiện lịch sử và thực tiễn phát triển của TP cũng tác động đến quá trình hình thành, phát triển và hoạt động khai thác các KCN trên địa bàn.

UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung còn thiếu hiệu quả để định hướng dòng đầu tư; hiện áp dụng chung trên cả nước chứ chưa tính đến yếu tố đặc thù về điều kiện phát triển của từng địa phương, chưa phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Thiếu chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các dự án trong các KCN. Do vậy đã dẫn đến khó khăn trong việc thu hút các dự án; khó thúc đẩy hình thành các khu mang tính chuyên môn hóa cao và hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Hạn chế trong công tác quản lý

Bên cạnh đó, về nguyên nhân chủ quan, UBND TP Đà Nẵng chỉ rõ công tác quy hoạch, quản lý đầu tư và quản lý các KCN tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc quản lý quy hoạch các KCN không nhất quán, chưa nghiêm; triển khai thực hiện quy hoạch KCN không ổn định, thiếu đồng bộ dẫn đến việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất KCN tương đối phổ biến. Một số KCN đã điều chỉnh nhiều lần làm giảm đáng kể diện tích so với quy hoạch ban đầu, như KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu.

Sự hình thành các KCN tại Đà Nẵng trước đây do nghiên cứu trên nền tảng của một đô thị nhỏ thuộc tỉnh nên đa phần bố trí chưa hợp lý, chưa xác định phân khu cụ thể trong tổng thể quy hoạch chung. Khoảng cách, điều kiện cách ly vệ sinh giữa KCN và khu dân cư lân cận không đảm bảo, hầu hết chưa được quy hoạch khép kín, không có tường rào, vùng đệm cây xanh cách ly.

Quy mô phát triển KCN chưa phù hợp, còn phân tán, nhiều khu có diện tích rất nhỏ như KCN Đà Nẵng 50,1ha; KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng 50,6ha. Vị trí các KCN này đến nay không còn phù hợp để phát triển công nghiệp do nằm đan xen với khu vực phát triển du lịch, dịch vụ của TP.

Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, việc quản lý bố trí cho thuê đất tại từng KCN chưa tốt; công tác quản lý việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất tại một số KCN còn lỏng lẻo. Trong thời gian dài, một số DN lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để giành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi. Đến nay vẫn còn tình trạng nhiều diện tích đất chậm triển khai, không được đưa vào sản xuất.

Do hạn chế trong công tác quản lý đã dẫn đến hiện tượng chia nhỏ lô đất quy hoạch để bố trí các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, giá trị sản phẩm không có tính gia tăng thặng dư kinh tế cao. Nhiều KCN không có phân khu sản xuất cụ thể nên việc bố trí các cơ sở sản xuất không tuân thủ theo tính chất sản xuất, cơ sở sản xuất gây tác động nhiễm chéo lẫn nhau. Việc bố trí loại hình, ngành nghề sản xuất không đúng mục tiêu, quy hoạch ban đầu đã gây ra xung đột, tranh chấp, ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện quỹ đất còn trống tại các KCN để sẵn sàng cho thuê không nhiều, lại bị chia cắt, phân tán manh mún nên đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án có yêu cầu sử dụng diện tích đất lớn.

Tiềm lực các doanh nghiệp còn mỏng

Trong khi đó, thực tế cho thấy tiềm lực tài chính của DN trong các KCN trên địa bàn còn mỏng. Bản thân các DN còn thụ động, chưa quan tâm đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường; chưa chủ động, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với quá trình hội nhập của đất nước. Liên kết hợp tác giữa các DN còn yếu, do ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ bé nên chưa thể hình thành các liên kết tại chỗ trong sản xuất.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cho biết các KCN trên địa bàn còn thiếu chính sách hỗ trợ DN và người lao động, Một số KCN chưa giải quyết được vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hỏa cho công nhân, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và môi trường sống của người lao động. Lao động ngoại tỉnh thường thuê nhà khu vực xung quanh KCN để cư trú, tạo ra áp lực lớn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội của địa phương.

Đáng chú ý, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), hiện nay có đến 86% DN Đà Nẵng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn bình quân cả nước 3%; 75% DN khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát, cao hơn bình quân cả nước 3%; có 32% DN gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông, cao hơn cả nước 7%.

Thống kê đến cuối năm 2020 cũng cho thấy, chỉ riêng đợt dịch COVID-19 lần 2, toàn TP Đà Nẵng có khoảng 56.000 lao động bị mất hoặc ảnh hưởng việc làm. Tuy nhiên, nghịch lý là đến nay, một số DN tại các KCN, KCNC vẫn rơi vào tình trạng “khát” lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề kỹ thuật cao.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm