Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng kêu gọi "đại bàng" đầu tư vào các khu công nghiệp mới

DNVN - Trong giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hình thành 4 KCN mới, gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch 1 KCN mới. Tổng diện tích 4 KCN mới dự kiến khoảng 1.227,58ha.

"Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN / Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan lần đầu tiên thăm Đà Nẵng

Hình thành 4 khu công nghiệp mới

Các KCN mới tại Đà Nẵng hiện có những hạn chế, chưa đón đượcdoanh nghiệp (DN) “đại bàng” đóng vai trò dẫn dắt cho nền công nghiệp địa phương. Nhằm mở rộng hạ tầng công nghiệp để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với TP, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới của TP là Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh.

Sản xuất, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử tại một doanh nghiệp FDI trong KCN Hòa Cầm giai đoạn 1

Sản xuất, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử tại một doanh nghiệp FDI trong KCN Hòa Cầm giai đoạn 1.

Theo đó, trong giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng triển khai đầu tư hình thành 4 KCN mới theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được UBND TP phê duyệt. Gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch 1 KCN mới. Tổng diện tích 4 KCN mới dự kiến khoảng 1.227,58ha.

Tại các KCN mới này ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. Trong quá trình xây dựng Bộ tiêu chí lựa chọn chủ dự án đầu tư hạ tầng, cần kết hợp xem xét giữa kinh nghiệm đầu tư hạ tầng và hiệu quả đầu ra (giá trị xuất khẩu/ha) của các dự án đã tiến hành để mang lại hiệu quả thiết thực cho các KCN mới.

Đồng thời xem xét hình thành danh mục ưu tiên thu hút đầu tư tại các KCN mới tương thích với cơ cấu của các khu hạ tầng công nghiệp tập trung ở các khu vực lân cận, như cụm Hòa Nhơn – Hòa Cầm giai đoạn 1 – Hòa Cầm giai đoạn 2, hay cụm Hòa Ninh – Khu công nghệ cao – Khu CNTT tập trung – cụm công nghiệp Hòa Liên, hình thành các cụm liên kết hay các KCN vệ tinh để lôi kéo, thu hút các DN thuộc chuỗi giá trị của các tổ hợp DN đã hình thành đến hoạt động như một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.

Cụ thể, KCN Hòa Ninh với nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm… Phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu USD/ha.

KCN Hòa Nhơn với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp… Phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 với nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng… Phấn đấu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

Các đối tác trọng tâm thu hút đầu tư

Tại Quyết định 1321/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính. Tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.

Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.

TP ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư các dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn.

Ưu tiên các đối tác có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm; các tập đoàn, tổng công ty, các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 (gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh); các nước có nền kinh tế mới nổi (như Ấn Độ, Nga, Brazil).

Mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và 800 triệu USD, trong đó tăng dần tỷ suất thu hút các dự án trên 1ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

UBND TP Đà Nẵng giao BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA) là cơ quan đầu mối trực tiếp triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung phát triển hạ tầng công nghiệp và đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn TP. Đồng thời triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Cầm giai đoạn 2 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm