Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai tại các khu công nghiệp

DNVN - Cùng với nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo đánh giá, rà soát tình hình hoạt động của các KCN hiện có trên địa bàn nhằm bảo đảm mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

"Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN / Tăng cường xử lý vi phạm về kiểm soát tiền chất công nghiệp

Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP Đà Nẵng, đến năm 2030, các ngành công nghiệp – xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31 – 32% trong cơ cấu GRDP. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, CNTT, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm 10 – 15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng.

Theo định hướng của UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ nay đến năm 2025, các KCN trên địa bàn Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp phụ trợ

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, các KCN tại Đà Nẵng ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp phụ trợ.

Nhằm bảo đảm mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đón bắt cơ hội hội nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc tế, nhất là các dòng vốn FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, bên cạnh việc kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới, UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo một số định hướng mới đối với các KCN hiện có trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, kiên quyết xử lý vi phạm để bố trí cho các nhà đầu tư có tiềm năng. Phối hợp với các chủ đầu tư KCN Liên Chiểu, Hòa Cầm giai đoạn 1 rà soát quỹ đất chưa khai thác để tiếp tục phối hợp xúc tiến đầu tư.

Đồng thời triển khai chuyển đổi KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng theo hướng kết hợp giữa chế biến thủy sản, thương mại dịch vụ hậu cần và logistics. Cụ thể, chuyển đổi các dự án tiếp giáp khu vực dân cư thành các dự án thương mại dịch vụ gắn với các loại hình kinh doanh phù hợp đặc trưng địa phương; giữ lại khu vực tiếp giáp với khu dịch vụ âu thuyền Thọ Quang để tiếp tục bố trí các dự án sản xuất được hỗ trợ đầu tư đồng bộ về công nghệ và cảnh quan để phục vụ xuất khẩu.

Đối với việc di dời, chuyển mục đích sử dụng KCN Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xem xét chủ trương cho phép chủ đầu tư Massda Land chủ trì nghiên cứu, liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp trong KCN này lập phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị. Trường hợp doanh nghiệp có nguyện vọng tiếp tục sản xuất thì khuyến khích di dời đến các KCN khác của TP.

Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xúc tiến chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình KCN sinh thái. Trên cơ sở thực tiễn áp dụng tại KCN Hòa Khánh, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cho KCN Hòa Khánh mở rộng.

Theo định hướng của UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ nay đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030, các KCN trên địa bàn tập trung thu hút các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính, tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn. Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp phụ trợ.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm