Thương mại điện tử khó từ nhân lực đến chính sách
Tháo gỡ vướng mắc về chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời / Sẽ xây dựng trung tâm công nghiệp 4.0 tại Việt Nam
Nhân lực thiếu, lại hay nhảy việc
Ông Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ, nghiên cứu của Tiki về tổng doanh thu ngành bán lẻ Việt Nam năm 2016 là 130 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng ít nhất 9%/năm, thì đến 2025, giá trị ngành bán lẻ có thể đạt khoảng 260 tỷ USD (trong đó, hình thức B2C sẽ chiếm từ 12-14 tỷ USD).
Tiềm năng thương mại điện tử với ngành bán lẻ còn trở nên hấp dẫn với các cá nhân, tổ chức nước ngoài bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, đồng thời chính trị ổn định. Dự báo, trong 5 năm tới, trên 60 triệu người trong tổng dân số Việt Nam cán mốc thu nhập khoảng 4.000 USD/năm, sẽ chi tiêu nhiều hơn cho ngành thương mại điện tử, chiếm từ 7-10% của ngành bán lẻ.
“Tôi cho rằng, các nhà đầu tư Việt Nam khá chậm trong việc lấy những cơ hội rất lớn từ 3 mảng này (thương mại điện tử, thanh toán và mạng xã hội), trong khi nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chân nhảy vào”, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói.
Trong năm 2017, Tiki đã được nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia góp vốn. Ông Sơn cho rằng, nhà đầu tư sẽ nhìn vào năng lực thực thi của mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử mà đầu tư vào, ít nhất là đánh giá dựa trên đội ngũ vận hành. Thiếu lực lượng kỹ sư công nghệ tiếp tục trở thành lo ngại với nhiều doanh nghiệp. Xu hướng chuyển dịch từ outsourcing - gia công phần mềm sang tự làm khiến nhu cầu tuyển dụng mới luôn tăng. Theo thống kê của trang tìm việc TopDev, dự kiến đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp cần tới 350.000 kỹ sư công nghệ.
Mức lương trung bình của các lập trình viên sẽ từ 300 - 400 USD/tháng, đến 700 - 1.400 USD/tháng với nhân sự có kinh nghiệm trên hai năm. Tuy nhiên, ông Đào Việt Thắng, đồng sáng lập, kiêm giám đốc tài chính Vexere.vn lo ngại về chất lượng lập trình viên Việt Nam, khi đa phần lập trình viên phải đào tạo lại.
Dù vậy, vẫn xảy ra “giằng co” nhân sự khi doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh cả về thương hiệu lẫn nguồn tài chính dồi dào, dễ dàng thu hút kỹ sư công nghệ có năng lực, trong khi công ty bản địa lại khó thực hiện điều này. Trong khi đó, quỹ lương cho nhân lực ngành công nghệ được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc điều hành Công ty Haravan chia sẻ: “Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều nhân sự giỏi chuyển sang đầu quân cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn hơn”.
Đại diện này cũng cho biết, để giữ chân nhân sự giỏi, ngoài việc đưa ra mức lương hấp dẫn, mỗi người lãnh đạo phải thể hiện được tầm nhìn công ty.
Cần quản lý theo cách “xuyên biên giới”
Ngoài đội ngũ kỹ sư công nghệ, ông Lê Anh Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Sen Đỏ (Sendo.vn) cho rằng, quy định về mức trần khuyến mãi không quá 50% cũng là một cản trở trong việc gia tăng người dùng của mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử. Thêm vào đó là trở ngại về yêu cầu đăng ký chương trình khuyến mại với Sở Công thương từng địa phương khi triển khai.
“Khuyến mại ở đâu thì buộc phải đăng ký chương trình với Sở Công thương khu vực đó, khiến chúng tôi tốn nhiều chi phí để làm 64 bộ hồ sơ, trong khi thương mại điện tử là không giới hạn”, ông Lê Anh Huy nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hai trụ cột của ngành là thanh toán và chuyển phát. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ là một trong các nguyên nhân khiến ngành chưa phát triển như kỳ vọng.
Thêm vào đó, là câu chuyện gây dựng lòng tin người dùng với thương mại điện tử khi chất lượng hàng hóa chưa được đảm bảo. Như với Sendo.vn, ông Lê Anh Huy cho biết, năm 2017, Công ty đã phải xử lý hơn 8.000 nhà bán hàng liên quan đến việc “đăng thông tin sản phẩm một đằng và giao hàng một nẻo”. Ngoài ra, dịch vụ COD (nhận tiền khi giao hàng) đang chiếm hơn 80% tổng giao dịch thương mại điện tử, kéo theo hàng loạt vụ việc phát sinh, như việc GNN Express “bùng” hơn 5,5 tỷ đồng tiền COD của các đối tác, càng khiến rủi ro của hình thức này tăng thêm.
“Hơn 80% giao dịch trên thị trường thương mại điện tử là hình thức COD. Giao hàng thu tiền với tỷ lệ lớn như vậy là một hình thức lạ lùng và rất Việt Nam, khiến các doanh nghiệp chuyển hàng, vận tải thành doanh nghiệp thanh toán mà không chịu ràng buộc pháp lý của cơ quan nhà nước nào. COD còn chiếm từ 10-15% tổng chi phí vận hành của mỗi doanh nghiệp trong ngành cũng là rủi ro rất lớn”, Phó tổng giám đốc Sendo.vn chia sẻ.
“Đặc trưng ngành là khối lượng giao dịch nhỏ, do không ai mua cả container hàng hóa và lưu chuyển nhanh, nên không thể quản lý theo phương thức truyền thống như cần bao nhiêu hóa đơn, giấy thông quan, ngần này tờ nộp thuế mới được coi là hợp pháp. Đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và thay đổi phương pháp quản lý”, ông Vũ Quốc Tuấn, trưởng bộ phận quan hệ chính phủ của Lazada nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo