4 nhóm ngành lớn dự đoán đón sóng tăng trưởng
Doanh nghiệp Lào đến Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm niêm yết trên sàn chứng khoán / Doanh thu mảng bưu chính của Viettel Post tăng mạnh
Thanh khoản sụt giảm bởi nhiều lý do
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh sau 6 tháng tăng điểm liên tục. Trong vài tuần gần đây, thị trường bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là sau cú sụt giảm vào phiên ngày 18/8 và thời điểm đầu tháng 9. Theo giới chuyên gia, tình hình thanh khoản của thị trường đã bắt đầu có chiều hướng sụt giảm đáng kể.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023" chiều 10/10, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoá Yuanta Việt Nam cho rằng, có 4 yếu tố chính tác động và giải thích cho lý do thanh khoản của thị trường lại sụt giảm mạnh.
Yếu tố đầu tiên đến từ tác động bên ngoài, với kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm hoặc động thái về việc dừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi tình hình lãi suất bắt đầu có sự gia tăng, giá dầu cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho áp lực lạm phát tăng lên. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tâm lý nhà đầu tư bắt đầu có những dấu hiệu chững lại và e ngại về tình hình thị trường ở thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân thứ hai là tác động từ việc đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh khiến áp lực tỷ giá trong thời gian sắp tới cũng sẽ gia tăng và việc điều hành tỷ giá sẽ gặp trở ngại hơn.
Nguyên nhân thứ ba, khi tình hình tỷ giá tăng mạnh, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị bán ròng xấp xỉ hơn 9.000 tỷ. Đây là lượng giá trị bán ròng khá mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá cũng có thể khiến cho nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý thận trọng và e ngại với tình hình thị trường chứng khoán hiện tại, khi đồng USD đang có giá trị tốt hơn.
Nguyên nhân cuối cùng mang tính thời vụ, đó là các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III vào tháng 10 này. Trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư kỳ vọng, tình hình chi phí vốn của các doanh nghiệp có thể sụt giảm nhờ vào việc hạ nhiệt của đồng USD, việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại và nhờ việc lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng thương mại sẽ giảm.
“Đến thời điểm hiện tại, rõ ràng những kỳ vọng này đã không còn nữa, tình hình chi phí vốn khả năng cao trong thời điểm ngắn hạn khó có thể hạ được. Nhà đầu tư vẫn phải chờ vào kết quả kinh doanh quý III này để quyết định nhóm ngành nào là nhóm ngành có thể phân bổ trong thời gian tới.
Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện tại nhà đầu tư đang bắt đầu có những chiến lược để theo dõi và bắt đầu có động thái để lựa chọn những nhóm ngành có thể tăng trưởng trong thời gian tới. Chính vì vậy, tình hình thanh khoản của thị trường gần đây đã có sự chững lại”, chuyên gia Nguyễn Thế Minh nhìn nhận.
Áp lực tỷ giá và lạm phát
Phân tích các yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán giai đọan cuối năm, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho biết, nhà đầu tư cần quan sát các biến số vĩ mô như GDP, PMI, CPI, lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, lãi suất, xuất khẩu và các động thái của Ngân hàng Nhà nước.
VN-Index thường có tương quan với lãi suất huy động. Chỉ số thường giảm trong những giai đoạn lãi suất tăng. Ngược lại, chứng khoán tăng mạnh trong những giai đoạn nới lỏng tiền tệ, điển hình như năm 2020.
Về yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nửa cuối 2023 cũng sẽ cung cấp cơ sở cho nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng cho năm sau.
Yếu tố thứ ba là dòng tiền, đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân. Trong những tháng gần đây, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản khá cao, thậm chí cao hơn cả giai đoạn COVID-19. Thông thường nhà đầu tư cá nhân có sự xoay vòng dòng tiền nhanh hơn so với nhà đầu tư tổ chức.
Một yếu tố nữa là diễn biến thị trường chứng khoán thế giới. Vừa qua, chỉ số VN-Index đã có mức điều chỉnh khoảng 12% từ đỉnh, chứng khoán Mỹ cũng có nhịp điều chỉnh khoảng 8%. Quan sát trong quá khứ, chỉ số chứng khoán giữa hai thị trường cũng có những sự đồng pha.
Yếu tố cuối cùng là khả năng nâng hạng thị trường và triển khai hệ thống KRX trong thời gian tới cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho biết, quý IV có một số biến số cần quan tâm. Về tỷ giá, lạm phát của Mỹ bắt đầu quay trở lại, tiệm cận 4%, cùng với sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Do đó, nhiều khả năng Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ nền lãi suất ở mức cao. Đến giữa tháng 6/2024, nhiều khả năng mới đảo chiều.
Theo đó, chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, tạo áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau.
Thứ hai, lạm phát sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm. Lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng trưởng rất nhanh và 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ. Nếu giá dầu căng thẳng hơn nữa, câu chuyện về lạm phát sẽ còn tiêu cực hơn.
Dự báo 4 nhóm ngành phục hồi tốt nhất
Giới chuyên gia dự báo, chỉ ít nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm nay.
Dự báo về các nhóm ngành có khả năng phục hồi tốt nhất vào những tháng còn lại năm 2023, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, hiện nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số lượng nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương năm nay là không nhiều. Trong đó, bao gồm chứng khoán, thép, dầu khí, công nghệ.
Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng cải thiện mạnh trong 2024 tại nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản.
"Dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã phản ánh một phần triển vọng phục hồi lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là “mua đuổi”, chuyên gia khuyến nghị.
Liên quan đến nhóm ngành đầu tư công, ông Châu cho hay, giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 đạt 363.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và đạt 51,4% kế hoạch cả năm.
Câu chuyện đầu tư công vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới khi nhiều dự án mới chỉ ở giai đoạn ban đầu như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường vành đai quanh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành…
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, nhà đầu tư nên lưu ý khi cân nhắc mua các cổ phiếu nhóm này. Các dự án đầu tư công thường mang lại biên lợi nhuận mỏng hơn kênh dân dụng. Tỷ trọng từ đầu tư công của nhiều doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng thấp hơn nhiều so với từ xây dựng dân dụng.
Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng, ông Trần Ngọc Báu chia sẻ, trong năm nay cả biên lãi ròng (NIM) và tăng trưởng tín dụng đều khó. NIM ở trạng thái suy giảm nhẹ đặc biệt trong quý II và quý III, quý IV dự báo tiếp tục suy giảm, chưa phục hồi tốt. Trong khi đó, nợ xấu được dự báo lập đỉnh trong quý IV/2023. Phải tới quý II/2024 mới là thời điểm phù hợp để ngành ngân hàng có thể tăng trưởng trở lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo