Hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Sẽ hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu CP4A2503 / Lý do khiến cổ phiếu MPT chính thức bị hủy niêm yết kể từ ngày 25/5
Vụ Phát triển thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, quy định về hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong trường hợp cần thiết có ý nghĩa quan trọng. Góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch.
Việc nắm vững những quy định liên quan đến hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Quá trình này tuân theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).
Nhằm cảnh báo sớm cho các nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu, Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV của Hội đồng thành viên, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã đưa ra quy định về các trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, đình chỉ giao dịch.
Ví dụ, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết khi “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục”. Trước đó, sở giao dịch chứng khoán sẽ đưa cổ phiếu của công ty đại chúng vào diện cảnh báo khi “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính năm đã kiểm toán của tổ chức niêm yết là số âm” hoặc bị kiểm soát khi “lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất của tổ chức niêm yết là số âm”.
Các quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, tạm ngừng, đình chỉ giao dịch của sở giao dịch chứng khoán được công bố thông tin rộng rãi trên toàn thị trường. Do đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nắm được thông tin về những cổ phiếu nào có khả năng tiềm ẩn bị hủy niêm yết trong tương lai.
Sau khi cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức (UPCoM).
Do đó, đối với những trường hợp này, nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 122 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, tổ chức có cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc tự nguyện, sau tối thiểu 2 năm giao dịch trên hệ thống UPCoM, tổ chức đó có thể thực hiện đăng ký niêm yết lại trên sở giao dịch chứng khoán nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết.
Để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, Vụ Phát triển TTCK khuyến nghị, nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu. Cần trang bị kiến thức, hiểu biết về TTCK, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết.
Đồng thời, cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết. Xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp niêm yết.
“Nhà đầu tư cũng cần chú ý liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn”, Vụ Phát triển TTCK khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo