Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết

DNVN - Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thị trường vận tải hàng không sụt giảm vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn vừa rồi.

Cổ phiếu Vietnam Airlines HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/4 / Vietnam Airlines mở đường bay mới Buôn Ma Thuột – Phú Quốc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thị trường vận tải hàng không sụt giảm vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn vừa rồi. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021, nếu như tình hình Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Theo báo cáo, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho VNA giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

h


Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao, và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021, lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 của hãng hàng không này đã lên đến 14.219 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ (14.183 tỷ đồng) dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong trường hợp tiếp tục lỗ tiếp hơn 5.000 tỷ đồng trong quý 2 như dự kiến, Vietnam Airlines có thể âm vốn chủ sở hữu lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Cổ phiếu này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.

h


Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình, tại ĐHĐCĐ bất thường của Vietnam Airlines diễn ra vào cuối năm ngoái đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến nửa đầu năm 2021 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại kế hoạch tăng vốn của Vietnam Airlines vẫn chưa thể triển khai.

Số tiền thu dự kiến sẽ được dùng để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng và không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, nếu hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines không sớm được cải thiện, 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm cũng sẽ sớm bị “vét cạn” bởi số lỗ lũy kế không ngừng tăng thêm qua từng quý.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Dù vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng nêu trên nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Trong khi đó, số nợ phải trả quá hạn đã lên đến 6.240 tỷ đồng khiến hãng hàng không này rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021, tính đến hết 31/3/2021, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines lên đến 59.550 tỷ đồng, chiếm 98% tổng tài sản. Trong đó, dư nợ vay tài chính tại các ngân hàng biến động không đáng kể so với đầu năm và vẫn dừng ở mức 34.334 tỷ đồng. Trong khi đó, Hãng hàng không này cũng đã gần cạn tiền với số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn chỉ còn chưa đến 2.100 tỷ đồng.

Đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet, mặc dù trong năm 2020 đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước, tuy nhiên dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính, Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm