Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 16/6: Cổ phiếu chứng khoán giảm sâu đi ngược kỳ vọng về ngành

DNVN - Trong phiên giao dịch sáng 16/6, sau khi tiếp tục thất bại khi chinh phục lại vùng đỉnh cũ 1.370 - 1.375 điểm, VN-Index đã quay đầu lao thẳng xuống ngưỡng 1.350 điểm. Ở vùng hỗ trợ ngắn hạn này, VN-Index đã hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá tích cực.

Cổ phiếu HAP chuyển từ sàn HoSE sang giao dịch trên sàn HNX từ 17/6 / Cảnh báo nhà đầu tư tỉnh táo trước tin đồn thanh tra “thao túng giá” cổ phiếu ngân hàng

Trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi tiếp tục thất bại khi chinh phục lại vùng đỉnh cũ 1.370 - 1.375 điểm, VN-Index đã quay đầu lao thẳng xuống ngưỡng 1.350 điểm. Ở vùng hỗ trợ ngắn hạn này, VN-Index đã hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá tích cực. Tuy nhiên, với lực bán khá mạnh, nhất là ở nhóm bluechip, tiêu biểu là nhóm ngân hàng, chứng khoán, khiến VN-Index đóng cửa giảm gần 10 điểm, dưới ngưỡng 1.360 điểm.

Bước sang phiên chiều, lực cầu nhập cuộc tốt ngay đầu phiên giúp VN-Index hồi phục và vượt qua tham chiếu sau 40 phút giao dịch. Tuy nhiên, nhịp hồi này giống như bulltrap khi VN-Index vừa chớm xanh, lực bán đã ồ ạt được tung vào, đẩy chỉ số này rơi thẳng đứng trở lại về vùng 1.350 - 1.355 điểm.

Lực bán mạnh sau 14h cũng đã khiến tình trạng tắc, nghẽn lệnh xảy ra, giao dịch trong thời gian còn lại trên sàn HOSE ảm đạm, VN-Index dù đóng cửa thấp hơn phiên sáng, nhưng vẫn giữ được vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.350 - 1.355 điểm.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index tạo mẫu hình nến Spinning Top chứng tỏ bên mua và bên bán đang khá cân bằng. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đã vượt trên 50% phiên trước đó. Chỉ số đang test lại đỉnh cũ liền kề. Nếu vượt hoàn toàn vùng này thì chỉ số sẽ có thể tiến lên test lại vùng 1,390-1,410 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 100%). Trái ngược với chỉ báo Stochastic Oscillator, chỉ báo MACD đã tiếp tục sụt giảm sau khi tiến gần đường signal chứng tỏ rủi ro vẫn còn. Trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 01/2021) sẽ là hỗ trợ gần nhất của chỉ số này.

Đóng cửa, VN-Index giảm 10,84 điểm (tương đương 0,79%), xuống 1.356,52 điểm với 176 mã tăng, trong khi có 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 769,6 triệu đơn vị, giá trị 23.433,9 tỷ đồng, tăng 5,3% về khối lượng, nhưng lại giảm 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 1.267 tỷ đồng.

Dòng tiền từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán sang nhóm cổ phiếu midcap và penny. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn 3 mã giữ được đà tăng, trong đó đáng kể nhất là VCB tăng 1,2% lên 104.000 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có BID kịp hồi phục tăng nhẹ 0,9% lên 45.300 đồng, khớp hơn 4,2 triệu đơn vị và VPB cũng hồi nhẹ 0,5% lên 66.800 đồng, khớp 24,1 triệu đơn vị sau phiên bị bán mạnh hôm qua. Còn lại các mã khác trong nhóm đều giảm giá.

Trong đó, giảm mạnh nhất là SSB giảm 3,6% xuống 39.800 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị. Tiếp đến là LPB với 3,4% xuống 28.000 đồng, khớp 14,7 triệu đơn vị. Tiếp theo là CTG và TCB cùng giảm 3,1% xuống 50.500 đồng và 50.700 đồng, thanh khoản đạt hơn 21 triệu đơn vị và hơn 20 triệu đơn vị. Giảm 3% có STB và EIB xuống 29.200 đồng và 29.100 đồng, khớp hơn 30 triệu đơn vị và 0,8 triệu đơn vị. HDB giảm 2,7% xuống 33.800 đồng, OCB giảm 2,5% xuống 29.350 đồng, VIB giảm 2% xuống 49.800 đồng, ACB giảm 1,8% xuống 34.700 đồng, MBB giảm 1,5% xuống 38.700 dồng, TPB giảm 1,1% xuống 35.600 đồng, MSB giảm 1,8% xuống 27.300 đồng.

Nhóm dầu khí vẫn giữ phong độ với GAS tăng 3,61% lên 91.900 đồng, PLX tăng 2,19% lên 56.000 đồng, PVD tăng 2% lên 22.900 đồng. Trong khi đó, GVR hãm đà tăng, chỉ còn 0,79% lên 32.050 đồng, SAB cũng chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 169.000 đồng. Nổi bật nhất phải kể đến VCG tăng 5,13% lên 49.200 đồng sau thông tin M&A CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (BDT - UPCoM).

Dù không tăng trần, nhưng các mã khác trong nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, ITA, HNG, HQC, ROS, TTF, HAG, FIT, LCG… cũng đều có mức tăng tốt với thanh khoản cao. Trong đó, FLC tăng 4,2% lên 13.750 đồng, khớp gần 29 triệu đơn vị. ITA tăng 1,8% lên 7.950 đồng, khớp 23,5 triệu đơn vị. HNG tăng 2,3% lên 11.050 đồng, khớp 23,2 triệu đơn vị. HQC tăng 1,3% lên 4.040 đồng, khớp 17,5 triệu đơn vị. ROS tăng 2,6% lên 6.710 đồng, khớp 17,4 triệu đơn vị. TTF hụt mức giá trần khi đóng cửa ở mức 7.120 đồng, tăng 6,7% với thanh khoản 10,5 triệu đơn vị

Dòng midcap thu hút dòng tiền như DLG tăng trần lên 3.330 đồng, khớp 15 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. TSC tăng trần lên 13.700 đồng, khớp 10,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 4 triệu đơn vị. TDH tăng trần lên 7.750 đồng, khớp hơn 4,7 triệu đơn vị và cũng trắng bên bán. VOS tăng trần lên 5.260 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần. Ngoài ra, còn phải kể đến DBC, GDT, VMD, PME, ACC, DBT.

Trên sàn HNX, sau nhịp kéo lên trên tham chiếu đầu phiên, áp lực bán ra mạnh ở nhóm ngân hàng và chứng khoán đẩy chỉ số chính của sàn này lao dốc và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Riêng trong nhóm ngành chứng khoán, phiên giao dịch hôm nay, hầu hết các cổ phiếu ngành chứng khoán đều giảm sâu. Riêng PHS của Chứng khoán Phú Hưng tuy khối lượng giao dịch rất bé nhưng cũng đã khiến giá trị cổ phiếu PHS mất 13,4%. Từ ngưỡng giá 11.900 đồng, PHS hiện chỉ còn 10.300 đồng/cổ phiếu.

Ngoại trừ VDS vẫn tăng trần lên 24.500 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần, cùng FTS tăng 6,4% lên 36.700 đồng, còn lại cũng đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là SSI giảm 5% xuống 49.400 đồng, khớp 22 triệu đơn vị. Tiếp đến là VCI giảm 3,4% xuống 98.500 đồng, APG giảm 3% xuống 11.300 đồng, AGR giảm 2,9% xuống 13.500 đồng, CTS giảm 2,4% xuống 22.300 đồng.

Nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán khác có khối lượng giao dịch lớn như AAS của chứng khoán Á Âu, SSI của Chứng khoán Sài Gòn; SBS của Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín; VND của VNDirect; APS của Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương; SHS của Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội; MBS của Chứng khoán MB, VCI của Chứng khoán Bản Việt hay APG của Chứng khoán APG đều có mức giảm từ 3 đến 6,6%.

Trong báo cáo cập nhật ngành chứng khoán ngày 2/6, CTCK SSI đánh giá, với nhóm ngành chứng khoán, các cổ phiếu trong khu vực đang được giao dịch với P/E và P/B trong vòng 4 quý gần nhất trung bình lần lượt là 25,1x và 2,8x. Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam hiện đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều so với trong khu vực. SSI cho rằng các cổ phiếu CTCK niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.

Cũng theo phân tích của Chứng khoán SSI, việc thanh khoản thị trường dự báo đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên trong cả năm 2021 và tăng thêm 15% trong năm 2022 nhờ môi trường lãi suất thấp cùng với đó là tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân là động lực thúc đẩy lớn của ngành chứng khoán.

Theo thống kê của SSI, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 đã khiến LNTT trong quý 1/2020 đạt thấp. Sang quý 1/2021, doanh số giao dịch của các công ty chứng khoán tăng mạnh, xuất phát từ việc có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020 khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin cũng tăng mạnh theo đà tăng của tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trong tổng giao dịch. Doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư được gia tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp và thu nhập từ tự doanh cũng hưởng lợi từ việc thị trưởng tăng điểm mạnh. Doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý đầu tiên năm 2021 tăng trưởng mạnh 283% lên mức 1,1 triệu tỷ đồng. Tiếp đà thăng hoa, doanh số giao dịch thị trường nửa đầu quý 2/2021 đã tăng 22% so với quý 1 và tăng 306% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chung quan điểm với Chứng khoán SSI, Chứng khoán MB cũng nhận định ngắn gọn là ngành chứng khoán đang ở giai đoạn hoàng kim.

Với các yếu tố thị trường cực kỳ thuận lợi, việc nhà đầu tư đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu chứng khoán là điều rất dễ hiểu. Chính vì lẽ đó, việc trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán dù đã tăng rất mạnh nhưng vẫn được giới đầu tư canh mua. Đặc biệt, trong khoảng hơn một tuần trở lại đây, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt thì nhóm cổ phiếu chứng khoán được mua mạnh hơn bao giờ hết.

Việc cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm mạnh trong khi ngành đang uptrend đặt ra câu hỏi lớn cho nhà đầu tư là liệu cổ phiếu chứng khoán có còn hấp dẫn nữa hay không và có hay không những điều sẽ có thể thay đổi "cục diện" mọi thứ đều rất tốt của cổ phiếu chứng khoán khiến cổ phiếu bị bán mạnh trên diện rộng.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm