Chứng khoán

Thị trường chứng khoán ngày 13/5: VN-Index biến động, đột ngột mất sắc xanh vào cuối phiên

DNVN - Thị trường chứng khoán ngày càng trở nên khó đoán định khi VN-Index đột ngột từ chỗ tăng hơn 4 điểm thành giảm trên 7 điểm vào phiên đóng cửa. Bất chấp việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua và các thị trường chính tại châu Á cũng đỏ lửa.

Tất cả doanh nghiệp nhóm VN30 đều báo lãi quý 1/2021 / Chứng khoán MB chào bán hơn 103 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Thị trường chứng khoán ngày càng trở nên khó đoán định khi VN-Index đột ngột từ chỗ tăng hơn 4 điểm thành giảm trên 7 điểm vào phiên đóng cửa.

Bất chấp việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/5 và các thị trường chính tại châu Á cũng đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 12/5 do lo ngại về việc lạm phát gia tăng tại Mỹ, VN-Index cũng có mức điều chỉnh gây bất ngờ.

VN-Index ngày 13/5 giảm 0,56% với 254 mã giảm điểm và 163 mã tăng điểm. Giá trị khớp lệnh đạt trên 21,6 ngàn tỷ đồng. Nếu tính cả lệnh thỏa thuận thì thanh khoản của HOSE hôm nay đạt 24 ngàn tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản không còn là chuyện hiếm trên HOSE kể từ khi hiện tượng nghẽn lệnh chấm dứt.

Tương tự những phiên giảm điểm gần đây của VN-Index, VN30 hôm nay giảm nhiều hơn, với mức giảm là 10 điểm (0,72%), mất đi một nửa thành quả của phiên giao dịch ngày 12/5. Trong 30 mã bluechip của VN30 thì hôm nay có tới 23 mã giảm điểm, chỉ có 7 mã tăng điểm. Vẫn có nhiều blue-chips tăng, thậm chí vượt đỉnh, nhưng không phải mã nào cũng chịu được sức ép chốt lời, đa số quay đầu giảm về cuối phiên. Đặc biệt khối ngoại có một ngày bán ròng khủng khiếp với 1.154 tỷ đồng trên sàn HoSE.

CTG là cổ phiếu tăng xuất sắc nhất rổ này khi chốt trên tham chiếu 3,33% với giá 46.500 đồng/cổ phiếu, sau một phiên có nhiều biến động, trong phiên đã có lúc CTG khớp 47.150 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt mức cao kỷ lục lịch sử với 34,02 triệu cổ tương đương 1.562,5 tỷ đồng. Khối ngoại bán ra tới 9,21 triệu CTG, chiếm gần 27% thanh khoản. Giá trị rút vốn ròng tại CTG lên tới gần 397,6 tỷ đồng.

Ngược lại, cổ phiếu VIC có một phiên đáng buồn khi giảm tới 2,54%. Đây là mức giảm một ngày mạnh nhất kể từ hôm 24/4 vừa qua. VIC cũng rơi qua mức đáy hồi cuối tháng 4 và chính thức xuống ngưỡng thấp nhất 20 phiên. Tính từ đỉnh cách đây 16 phiên, VIC đã bốc hơi 12,2% giá trị. Vốn hóa của VIC vẫn là số 1 thị trường, do đó mức giảm quá mạnh này làm VN-Index mất đi 3 điểm. Khối ngoại cũng bán ròng VIC 37 tỷ đồng trong phiên.

Ngoài VIC còn có các mã bluechips kéo theo đà giảm của chỉ số sàn TCB giảm 2,54%, VCB giảm 0,51%, VHM giảm 0,72%, VNM giảm 1,42%, HPG giảm 1,91%, GAS giảm 0,93%, MSN giảm 0,96%.

Về kỹ thuật, VN-Index xuất hiện mẫu hình nến Shooting Star cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang xuất hiện khiến chỉ số giảm điểm trở lại và kết phiên ngay trên ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (tương đương vùng 1,250-1,260 điểm). Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng. Chỉ báo Relative Strength Index cũng đã đảo chiều sau khi test lại trendline tăng bắt đầu từ tháng 01/2021.

Tuy nhiên, chỉ báo MACD đã cho tín hiệu mua trở lại, qua đó cho thấy rủi ro đã được giảm bớt. Nếu VN-Index vẫn giữ vững vùng 1.250-1.260 điểm thì tình hình vẫn còn khả quan. Khi đó nhịp tăng sẽ có thể tiếp diễn. Mục tiêu tiếp theo của VN-Index sẽ là vùng 1.320-1.340 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 78.6%).

Diễn biến khác trên sàn HNX, HNX-Index bật tăng mạnh mẽ với cây nến xanh có thân lớn hơn những cây nến trước đó. Chỉ số cũng đã vượt lên trên vùng 270-280 điểm (đỉnh cũ tháng 3/2021 hội tụ cùng đường SMA 50 ngày) chứng tỏ bên mua đang chiếm được ưu thế.

Bên cạnh đó, chỉ báo MACD phục hồi trở lại sau khi chạm ngưỡng 0 và chỉ báo Stochastic Oscillator tiếp tục tăng vượt vùng overbought. Những tín hiệu này thể hiện tình hình của chỉ số đang chuyển biến tích cực. Trong những ngày tiếp theo, chỉ số sẽ có thể tiến lên test lại vùng đỉnh cũ tháng 4/2021 tương ứng vùng 290-300 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 60 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 4,7 điểm (+1,66%), lên 287,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 118,8 triệu đơn vị, giá trị 2.591,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,8 triệu đơn vị, giá trị 173,7 tỷ đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,37%), xuống 81,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,2 triệu đơn vị, giá trị 798 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm, trong đó, VN30F2105 mất 18,2 điểm, tương đương -1,32% xuống 1.363,9 điểm, khớp lệnh có hơn 273.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, dòng tiền mạnh giúp CTCH2103, CVHM2106, CTCB2104, CSTB2101 tăng kịch trần, thanh khoản tốt, với CTCH2103 khớp được hơn 0,97 triệu đơn vị.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm