Thị trường

CIEM: Cần nới lỏng tài khóa và chính sách tiền tệ giai đoạn 2021-2023

DNVN - CIEM cho biết, nếu đạt được đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6.76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

ICAEW: Việt Nam dẫn đầu khu vực trong phục hồi kinh tế / Doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế trước triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021

Sáng ngày 22/4, tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (4us4Reform) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”.

Báo cáo được thực hiện nhằm nhấn mạnh lại thông điệp phục hồi kinh tế phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Những đề xuất định hướng và giải pháp liên quan đến phục hồi kinh tế; cải cách thể chế; độ mở cho hoạt động kinh tế mới; hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa, cùng với yêu cầu phải thực hiện hài hòa, thống nhất trong thời gian tới.

Theo đó, hội thảo cũng trao đổi về đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023, cụ thể: tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; và rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

CIEM cho biết, Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2023 có thể đạt 6,76%.

CIEM cho biết, Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2023 có thể đạt 6,76%.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong ước và tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, Việt Nam vẫn cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Cũng theo bà Minh, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu đi sự đồng thuận và động lực cần thiết, có thể sẽ không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của kinh tế.

Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cho biết, báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 dựa trên 3 kịch bản. Cụ thể: nếu đạt được đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6.76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

Bà Minh nhận định, khi đó kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Bên cạnh đó, trong báo cáo còn làm rõ một số yêu cầu để đảm bảo các chính sách hướng tới phục hồi kinh tế gắn bó mật thiết với cải cách thể chế Kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam duy trì có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý 1. Với kết quả này, các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tổng vốn phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 5,7% và thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019, bên cạnh đó tỷ trọng đầu tư/GDP chỉ đạt 34,4%; hiệu quả đầu tư tính theo hệ số ICOR sụt giảm đột ngột trong năm 2020 (hệ số ICOR tăng tới gần 14,3). Trong khi đó dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế-xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết.

Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn mặc dù đã có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số). Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nhiều ngành nghề, đặc biệt là du lịch.


Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm