Thị trường

Năm 2021, nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam có những bước tiến mới

Các chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2021 sẽ là năm đầy những thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội để nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến mới.

Đà Nẵng: Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá khẩu trang, vật tư y tế, hóa chất phòng chống dịch COVID-19 / Hà Nội: Tối 30 tết, đào quất ế ẩm, bán rẻ như cho

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất giày tại Công ty cổ phần giầy Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo đó, các hiệp định như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… mà Việt Nam ký kết tiếp tục mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới trong năm tới. Cùng với đó, là những cơ hội của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo và đặc biệt là sự chủ động của các doanh nghiệp trong kết nối, đổi mới sáng tạo… cũng sẽ góp phần giúp kinh tế Việt Nam phát triển.

Nhiều cơ hội

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đã tăng chỉ tiêu GDP năm 2021 từ 6% lên 6,5% khi Việt Nam đã vượt qua một năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 và đặc biệt dịch COVID-19 vẫn đang biến phức tạp. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, chỉ tiêu GDP 6,5% có khả thi hay không tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Đó là, Việt Nam có tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh hay không. Thứ hai, nền kinh tế thế giới cũng phải ổn định, các quốc gia phải kiểm soát được dịch bệnh. Các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc… phải có sự ổn định thì Việt Nam mới có thể khai triển được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết như CTTPP, EVFTA… mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới. Năm 2021, những lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển là nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Ngoài ra còn có các thị trường như tài chính, chứng khoán, bất động sản… Đặc biệt, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo hiện nay, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi trong vài năm tới.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong điều kiện bình thường, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là hoàn toàn khả thi nhưng trong điều kiện hiện tại, đây sẽ là thách thức không nhỏ bởi năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội 2021-2025.

 

Năm 2021, ông Thúy kỳ vọng ở sự đóng góp của các ngành chế biến thực phẩm; dệt may; da giày; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.

Cùng với đó, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020 với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ngành sản xuất điện sẽ có đóng góp quan trọng với dự kiến tăng công suất phát điện thêm trên 6.200 MW với việc hoàn thành nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì vẫn phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lan ra cộng đồng. Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; đồng thời, cần tận dụng thời điểm hiện tại để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác định các sản phẩm đặc thù, có bản sắc Việt Nam để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là việc phải liên tục được thực hiện mạnh mẽ...

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất, hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục kịp thời với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

 

“Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần xây dựng kế hoạch, phương thức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam”, ông Thúy đề nghị.

Chủ động kết nối, đổi mới sáng tạo

Chú thích ảnh
Sản xuất lao động tại công ty May Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Công ty cổ phần Kym Việt cho biết, với bất kỳ doanh nghiệp nào thì việc ứng dụng kinh tế số, công nghệ số vào sản xuất sẽ đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, tại Kym Việt, 7 năm trước, khi bắt đầu khởi nghiệp, sản phẩm thuần túy là thủ công. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, hoạt động này dần có sự thay đổi nhất định. Theo đó, các hoạt động thiết kế được làm trên máy, chọn mẫu, nguyên liệu cũng dễ dàng hơn, nhưng đặc thù của sản phẩm thủ công là sự mộc mạc, tinh tế nên trong hoạt động sản xuất, công nghệ chỉ hỗ trợ một phần.

Trong những năm tới, Kym Việt mong muốn mở rộng kết nối. Theo đó, Kym Việt đang đề nghị một công ty công nghệ làm ra những con chip có chức năng như robot nhưng được bao bọc bởi một con giống xinh đẹp do Kym Việt sản xuất. Các con giống có khả năng tương tác, kết nối học viên, trả lời các câu hỏi trong quá trình học tập. Hy vọng dự án sẽ sớm thành công.

 

Trong khi đó, ông Huỳnh Công Huy, Giám đốc dự án, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG) cho biết, Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI đã mở rộng sản xuất và đầu tư ở Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam.

Với nền tảng là nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Sài Gòn VRG đã hợp tác thành công với Tập đoàn First Solar Hoa Kỳ (First Solar), một trong những công ty năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới để lắp đặt các tấm pin mặt trời cho các nhà máy tại các khu công nghiệp, giúp các chủ đầu tư tối đa hoá lợi nhuận, thân thiện với môi trường.

“Việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất, lắp đặt đã giúp các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, theo kịp với xu hướng đầu tư và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.”, ông Huỳnh Công Huy cho biết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển từ chuyển đổi số. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số và đạt được những kết quả tác động rõ rệt đối với người dân cũng như nền kinh tế.

Việt Nam đã tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Chuyển đổi số nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

 

Chuyển đổi số không còn là trào lưu mà đã trở thành con đường tất yếu giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản trị hoạt động kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới về công nghệ, thị trường, thị hiếu khách hàng…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm