Có nên giảm thuế VAT trong lúc này?
Hết quý I Hoà Phát nợ hơn 41.200 tỷ đồng, lợi nhuận mảng nông nghiệp bứt phá gấp 5 lần / Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nông lâm thủy sản
Dù gặp nhiều khó khăn về đầu ra nông sản trong mùa dịch Covid-19 này, cộng với áp lực nhiều loại chi phí, nhưng khi được hỏi có mong muốn được giảm thuế hay không (đơn cử như thuế VAT), bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Tp.HCM) trả lời rằng nếu xin giãn thuế thì được, còn với chính sách như hiện nay thì việc giảm thuế là rất khó.
Giảm thuế để kích cầu
“Thực ra, ngoài việc cho gia hạn nộp thuế thì trong lúc khủng hoảng như thế này hầu như doanh nghiệp (DN) nào cũng mong muốn có chính sách giảm thuế VAT, có thể là giảm 50%, nhằm kích thích tiêu dùng, khuyến khích DN sản xuất kinh doanh”, bà Nhung nói.
Mới đây, khi góp ý dự thảo Nghị quyết “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và các hiệp hội DN có kiến nghị giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 5%.
Rồi Bộ Xây dựng cũng vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp để gỡ khó cho các DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trong lúc này, trong đó có đề nghị giảm thuế VAT cho các DN xuống còn 5%.
Tại Tp.HCM, ngành du lịch được ghi nhận là một trong những nhóm ngành chịu thiệt hại nặng nhất do tác động của dịch Covid-19, và khi đề cập đến chính sách thuế thì Sở Du lịch có đề xuất phương án miễn, giảm 50% thuế VAT.
Có thể thấy, để tháo gỡ khó khăn, đại đa số DN đều mong muốn giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%. Như ý kiến từ Ban IV thì việc này sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch Covid-19.
Theo Ban IV, các DN hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, việc phải đóng 10% thuế VAT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả sẽ gây nhiều khó khăn cho các DN. Với mức thuế suất này cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà DN cung ứng.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, kế toán cho rằng các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế tuy có giúp phần nào cho DN trong giai đoạn khó khăn, nhưng như vậy vẫn chưa đủ “liều lượng”. DN sẽ khó bán được hàng nếu như sức tiêu thụ trên thị trường không cao mà ở đó có phần nguyên nhân từ việc chịu thuế VAT 10%.
Chẳng hạn, với giá xi măng hiện nay mỗi bao (50kg) vào khoảng 80.000 đồng (giá trước thuế). Nếu đóng 10% thuế VAT thì giá bán sẽ là 88.000 đồng. Trong khi đó, nếu giảm 50% thuế VAT thì giá xi măng sẽ chỉ còn 84.000 đồng/bao và người tiêu dùng sẽ thấy hấp dẫn hơn để mua vào, phục vụ cho nhu cầu xây dựng.
Mong điều chỉnh phù hợp
Trước bối cảnh đầu ra ì ạch như hiện nay, các DN sản xuất xi măng đều cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ kích thích được việc tiêu thụ số lượng lớn xi măng đang tồn kho. Một thống kê cho thấy lượng xi măng tồn kho trong quý I/2020 đã gấp 2,35 lần cùng kỳ năm trước và lượng tiêu thụ xi măng đã giảm gần 5 triệu tấn so với cùng kỳ.
Rõ ràng, trước áp lực tồn kho, lượng tiêu thụ kém thì việc giảm giá bán từ việc giảm thuế suất VAT sẽ giúp DN bán được hàng nhiều hơn, việc hồi phục của DN cho giai đoạn hậu Covid-19 cũng trở nên nhanh chóng hơn.
Mức thuế suất VAT 10% của Việt Nam so với một số quốc gia, lãnh thổ lân cận vẫn thuộc ở mức cao. Như ở Đài Loan (Trung Quốc) là 5%, Malaysia là 6%, Singapore và Thái Lan là 7%. Điều này làm tăng giá hàng hoá, dịch vụ, không khuyến khích tiêu dùng, không phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam trong tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Và không chỉ với thuế VAT mà với mức thuế tổng hay mức thuế hữu hiệu thì các DN Việt Nam cũng phải chịu tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Thực ra, từ nhiều năm trước, các chuyên gia và người dân, DN đã góp ý rất nhiều về việc nên giảm mức thuế suất VAT phù hợp hơn, nhất là cần hạn chế việc tăng thuế suất đối với những sản phẩm hàng hoá là nhu yếu phẩm, hàng hoá dịch vụ là thiết yếu của người dân.
Tuy nhiên, trong khâu chính sách thuế lâu nay vẫn có lập luận rằng thuế VAT là sắc thuế gián thu, áp dụng đối với hoạt động tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ và người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ ở khâu cuối cùng là người trả tiền thuế. Do vậy, việc giảm thuế VAT không làm giảm chi phí sản xuất cho DN.
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách thuế cho rằng đối với những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu hoặc cần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thì pháp luật về thuế VAT đã có quy định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc áp dụng mức thuế suất thấp là 5%.
Tuy việc thu ngân sách của nhà nước trong mùa dịch Covid-19 này là rất khó khăn khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị đình trệ, nhưng trước kiến nghị của nhiều DN và các hiệp hội ngành nghề, mong rằng chính sách thuế VAT nên có một chút điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để DN sớm phục hồi sau đại dịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024
DN mong giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng hậu Covid-19