Cộng đồng DN Nhật Bản: Việt Nam cần làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro trong PPP
DNVN - Cộng đồng DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để các công ty nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, tham gia vào dự án PPP ở Việt Nam, điều quan trọng phải làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư, và các tổ chức tài chính để không xảy ra những rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính.
Bất động sản công nghiệp: Chuyên gia nêu 5 nhóm vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm / Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế
Kể từ khi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ được tổ chức hồi tháng 6/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong quá trình soạn thảo Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) bằng cách cung cấp ý kiến của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, và các bên cho vay của Nhật Bản.
Và tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2019 diễn ra mới đây, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh PPP là một trong những vấn đề tác động lớn đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Nobufumi Miura, hiện nay, tình trạng thiếu hụt điện, đường xá, sân bay và bệnh viện cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
"Mặc dù những vấn đề này có thể là một nhân tố tiếp tục khiến các nhà đầu tư nước ngoài trở nên e ngại trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng việc thực hiện tích cực các cơ chế PPP sẽ hữu ích trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để giải quyết các vấn đề này. Hơn nữa, như được nêu trong Nghị quyết 50-NQ/TW (2019), việc thực hiện PPP còn khuyến khích các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam", ông Nobufumi Miura phát biểu.
Tuy nhiên, Chủ tịch JCCI nhấn mạnh, "đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, để tham gia vào dự án PPP ở Việt Nam, điều quan trọng là phải làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư, và các tổ chức tài chính sao cho không để xảy ra những rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Trừ phi điểm này được làm sáng tỏ, ngay cả khi luật PPP được ban hành tại Việt Nam, sẽ khó để các công ty nước ngoài tham gia vào các dự án PPP".
Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội ngày 19/11/2019 về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro là “một vấn đề rất lớn, vừa là mới, vừa là khó” nhưng cần thiết vì “đầu tư các dự án công chúng ta phải xác định đây thuộc trách nhiệm nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta”.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, "đây không phải cơ chế bảo lãnh mà là cơ chế chia sẻ rủi ro. Mục tiêu của nhà đầu tư theo chúng tôi hiểu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Cũng tại diễn đàn VBF 2019 cuối kỳ, ông Nobufumi Miura nhắc lại bốn yêu cầu mà JCCI từng đề cập tại VBF giữa kỳ hồi tháng 6 năm ngoái để Chính phủ Việt Nam xem xét. Cụ thể, JCCI không phản đối việc áp dụng luật Việt Nam làm nguyên tắc để thúc đẩy các dự án. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận giữa các bên và việc áp dụng luật pháp nước ngoài nên phụ thuộc vào từng dự án.
Về bảo lãnh của Chính phủ, JCCI cho biết, bảo lãnh của Chính phủ được cung cấp nhằm tránh gánh nặng rủi ro quá mức cho các doanh nghiệp tư nhân, chẳng hạn như cung cấp các khoản đảm bảo bằng ngoại tệ ở mức cần thiết để thực hiện các dự án PPP, bao gồm cả bảo lãnh trả nợ.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng cơ chế góp vốn Nhà nước để đảm bảo rằng ngân quỹ của Chính phủ có độ tin cậy cao hơn và linh hoạt hơn. Đồng thời, có thể chấm dứt sớm dự án PPP nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên ký hợp đồng, các nhà đầu tư, và các pháp nhân của dự án bị ảnh hưởng đáng kể do tình trạng không đủ điều kiện. Sau đó, Chính phủ Việt Nam có thể mua lại dự án này.
"Với việc cải thiện những điểm trên đây và việc ban hành dự luật PPP, chúng tôi mong rằng các công ty của Nhật Bản sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam", Chủ tịch JCCI bày tỏ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo