Covid-19: Giải pháp nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ huy động vốn hiệu quả?
Doanh nghiệp điện tử kêu khó tiếp cận các Gói ưu đãi, vướng ở chỗ nào? / Ngành thủy sản đã bước qua khủng hoảng, VASEP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN thủy sản“đón sóng” đầu tư từ Trung Quốc
Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, phủ bóng đen lên nền kinh tế. Trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Startup là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020 cả nước ta có 22.700 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Theo một số chuyên gia thì con số này có thể sẽ nhiều hơn vì hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp còn chưa làm đăng ký kinh doanh. Với những doanh nghiệp có thể làm giải thể là đã khá rồi. Vì vậy, việc quan trọng bây giờ là phải tập trung vào những gì có thể kiếm được ra tiền để duy trì hoạt động doanh nghiệp trước.
Trong rất nhiều khó khăn thì có một vấn đề nhức nhối, được rất nhiều sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua khi dịch Covid-19 hoành hành đó là việc làm thế nào để có thể huy động vốn trong thời điểm cần tiền duy trì hoạt động và chịu lỗ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ, dòng tiền kinh doanh xoay không kịp?
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính, đã có nội dung thảo luận giúp tháo gỡ và đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề về dòng tiền cho DN vừa và nhỏ trong giai đoạn Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Các chuyên gia tư vấn giải pháp gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp trong dịch Covid-19.
Ông Lâm Minh Chánh – Nhà sáng lập trường QTKD BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp cho rằng: "Vốn của DN có 2 loại cơ bản đó là vốn đi vay nợ và góp vốn. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chỉ lo làm ăn không biết quan hệ với ngân hàng để vay nợ.Đặc biệt các doanh nghiệp này thường khi mua bán lại không rõ ràng về hóa đơn. Tôi khuyên các bạn trẻ, các doanh nghiệp nhỏ cần phải minh bạch về doanh số, doanh thu… để đóng thuế với nhà nước và cần làm thân với ngân hàng . Không có quan hệ, tín dụng với ngân hàng là thua".
Về vấn đề gọi vốn, theo ông Lâm Minh Chánh: "Bình thường để chúng ta có thể gọi vốn được bên ngoài sẽ mất khoảng 3-6 tháng. Trong giai đoạn dịch bệnh ập đến doanh nghiệp đã chết trước khi gọi được vốn rồi. Vì vậy, đây là giai đoạn chúng ta phải phụ thuộc rất nhiều vào nội lực của doanh nghiệp. Phải tìm mọi cách để bán hàng, có doanh số để có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp trước".
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch tập đoàn TTC, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt cho biết: Ở các quốc gia phát triển họ không định hướng tiền nhàn rỗi cho tiết kiệm mà định hướng cho đầu tư. Nếu đầu tư sẽ trường vốn hơn đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất nhiên đầu tư thì sẽ có rủi ro.
Ông Đặng Văn Thành đưa ra lời khuyên: "Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên minh bạch hóa Báo cáo tài chính thì mới có thể tiếp cận được nhiều dòng vốn chứ không chỉ có mỗi ngân hàng. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng chịu sự quản lý nhất định của Nhà nước và phải chấp hành cơ quan quyền lực cao nhất là cổ đông. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận với nguồn vốn vay trong bối cảnh này thì việc các ngân hàng dè dặt cũng không thể trách được".
Đặc biệt, trong cuộc chiến với Covid-19, với khủng hoảng, doanh nghiệp nên tận dụng nguồn "lương khô" của mình trước tiên.
Vốn xuất thân là dân ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Sơn – Chuyên gia tài chính ngân hàng lại đưa ra quan điểm riêng của mình. Theo ông Sơn: “Chúng ta nên đặt ra câu hỏi vì sao phải đi vay vốn? Nếu kinh doanh đã đình trệ, kiệt quệ, không có tiền duy trì doanh nghiệp và trả lương nhân viên thì vay vốn để làm gì? Chẳng lẽ đi vay vốn để tiêu dùng thì làm gì có tiền để trả? Và với mục tiêu như thế thì sẽ không ngân hàng nào cho vay cả”.
Vị chuyên gia tài chính ngân hàng này cũng đưa ra nhận định: Hệ thống tín dụng, tài chính nói chung của chúng ta còn một số bất cập, không đáp ứng được nhu cầu vay nợ và nhu cầu vốn cho DN khởi nghiệp. Nhiều DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chung của xã hội.
Ông Sơn cũng cho biết thêm: "Ở các nước đang phát triển có Ngân hàng thương mại phục vụ cho nguồn vốn lưu động. Đầu tư một phần trung và dài hạn. Bên cạnh đó có một hệ thống Ngân hàng phát triển là dành cho các dự án của các DN. Nó được tách biệt khác nhau. Có hợp tác xã tín dụng, có các quỹ cho những người tiếp cận những dòng vốn rất nhỏ. Có rất nhiều loại phục vụ nhu cầu vốn của các DN. Cá lớn tiếp cận mồi lớn, cá nhỏ, cá lòng tong có thể tiếp cận vốn nhỏ".
Ở nước ta, một phần do chúng ta sợ, không muốn để dòng vốn của xã hội gặp quá nhiều rủi ro nên chúng ta nhìn thấy tín dụng đen đang phát triển rất nhiều.
Ông Ngô Công Trường – Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners lại cho rằng: "DN vừa và nhỏ trong giai đoạn khó khăn luôn có hai bài toán cần phải giải đó là bài toán về doanh thu và chi phí. Trong thời điểm khó khăn này với các DN vừa và nhỏ việc bán hàng để kiếm từng đồng đều rất quý giá".
Ông Trường đồng quan điểm với ông Thành về việc: "DN lúc này nên dùng “lương khô” của mình có nghĩa là đây là thời điểm các DN vừa và nhỏ nên lấy khoản tiền mình đã tiết kiệm được ra để dùng. Hoặc nếu có tài sản thì có thể bán đi, lấy máu của mình để cứu lấy chính mình. Không ai cứu được mình bằng chính mình cả. Một việc quan trọng không kém đó là DN cần cắt giảm hết mọi chi phí không cần thiết xuống mức thấp nhất có thể".
Ông Trường dẫn một câu nói rất nổi tiếng, một lời khuyên của các Startup đến từ Thung lũng Silicon valley: "Hãy nhìn business mình startup đang làm là một doanh nghiệp. Các bạn khởi nghiệp ở Việt Nam thường coi startup như đứa con tinh thần. Nhưng đã coi là con thì chúng ta rất khó lòng bỏ. Nếu quá thương "đứa con tinh thần" thì có thể cố gắng 6 tháng nữa, không được thì dẹp nó đi. Không thì 3 tháng nữa, mà nếu được thì dẹp ngay."
Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners cũng nhận định: “Đây là giai đoạn các DN có thể bỏ hết để quay về con số 0. Quay trở lại vạch xuất phát để khởi động lại. Các DN vừa và nhỏ đã thử sai rất nhiều. Vì vậy trong giai đoạn này nếu khó khăn quá thì cứ coi như mình đã sai và bắt đầu làm lại từ đầu. Đây là lời khuyên rất phũ phàng nhưng song phẳng và thực tế”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu