Covid-19 tái bùng phát, nông dân phấp phỏng với “nỗi lo kép”
Lâm Đồng: 7 nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ sản xuất kinh doanh ứng phó với Covid-19 / Bình Thuận thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, đã có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của nước ta. Trong đó, các mặt hàng nông sản lại tiếp diễn “kịch bản” tương tự như đợt dịch hồi đầu năm nay, như: Sức tiêu thụ giảm mạnh, xuất khẩu bị trì trệ, hàng hoá ứ đọng, giá cả sụt giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản.
Do ảnh hưởng của Covid-19, các loại nông sản Đà Lạt giá cả giảm mạnh.
Dạo quanh các chợ khu vực trung tâm TP. Đà Lạt và một số chợ đầu mối tại các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mặt hàng nông sản đã giảm giá đáng kể, trong đó, giá bán ra các loại rau giảm nhiều nhất khi thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Giá giảm nhiều nhất phải kể đến ớt chuông đỏ giảm từ 15-18 ngàn đồng/kg; ớt chuông vàng giảm 35-38 ngàn đồng/kg; xà lách coron giảm 7 ngàn đồng/kg, chỉ còn mức 5 ngàn đồng/kg… Bên cạnh đó, nhiều loại rau, củ, quả khác cũng giảm giá mạnh, như: Đậu leo, su hào, xà lách cuộn đã giảm từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, hiện giá bán lần lượt xuống còn 7.000 đồng/kg, 3.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Hạc, một nhà vườn ở Làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt), cho hay, mọi năm, thời điểm này, thị trường hoa khá khởi sắc, nhất là những dịp rằm, đầu tháng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng Covid-19 nên thị trường tiêu thụ giảm mạnh, giá cả lao dốc, cuộc sống người trồng hoa thêm phần bấp bênh.
“Các loại hoa hồng, cúc, lay ơn đều lao dốc, giảm xấp xỉ 3 ngàn đồng/bó; hiện chỉ còn dao động ở mức trên dưới 15 ngàn đồng/bó; riêng cúc rẻ bèo, chưa tới 10 ngàn”, chị Hoàng Hạc buồn bã cho biết thêm.
Thanh long Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang mùa thu hoạch nhưng bí đầu ra nên giá giảm mạnh.
Trong khi đó tại Đắk Lắk, cây thanh long được trồng chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột và một huyện lân cận, như: Cư M’Gar, huyện Ea Kar… Ngoài cà phê, hồ tiêu, đây được xem là loại cây xoá đói giảm nghèo nhưng gần 2 tháng nay, do ảnh hưởng Covid-19, thị trường nông sản “đóng băng”, rớt giá thê thảm, chỉ còn 2 – 3 ngàn đồng/kg, trái chín đỏ cây mà chờ hoài không thấy thương lái đến mua, khiến cuộc sống người nông dân thêm phần khó khăn.
Được biết, xã Cư Êbur hiện có khoảng 200ha thanh long. Theo người dân, việc trồng và thu hoạch thanh long nhẹ công và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với tiêu, cà phê. Một người có thể thu hoạch được 1 tấn thanh long/buổi và không tốn nhiều chi phí về tiền thuê nhân công, về công chăm sóc và phơi, xay xát như trồng tiêu, cà phê.
Ông Đinh Văn (52 tuổi, nhà ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), một lão nông gắn với loại nông sản “du nhập từ Bình Thuận” - giống thanh long ruột đỏ, thơm ngon, bổ dưỡng, màu sắc hấp dẫn này đã được gần chục năm nay, tâm sự, mọi năm, giá thanh long dao động từ 7 – 15 ngàn đồng/kg, với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm thì người nông dân có thu nhập khá, nuôi con ăn học, tu sửa nhà cửa thêm phần khang trang.
“Thế nhưng, với đà này, không biết đến bao giờ dịch dã mới tan, mà thanh long thì chín đỏ cây, xuất bán không được, thương lái cũng không mấy mặn mà, người dân chỉ biết khóc ròng. Bà xã tôi đem ra chợ những mong bán được vài kg, vớt vát được đồng nào hay đồng nấy, kiếm tiền đi chợ qua ngày”, ông Văn thở dài ngao ngán.
Lý giải về điều này, theo nhiều nông hộ trồng thanh long tại “phố núi” cho hay, do thị trường tiêu thụ chính hầu hết là các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà... Thế nhưng đợt dịch lần này, những địa phương đó đang là tâm dịch, nên việc giao thương mua bán bị hạn chế, đồng thời nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng giảm sút rất nhiều, nên bà con chỉ biết “đỏ mắt” nhìn thanh long chín đỏ vườn.
Sầu riêng đặc sản Khánh Sơn (Khánh Hoà) thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng, nhưng cũng đang bị giảm giá do Covid-19.
Còn tại Khánh Hoà, đây là thời điểm cuối vụ sầu riêng của huyện Khánh Sơn. Với thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, sầu riêng ở đây cho cơm vàng, hạt lép, chất lượng đặc biệt và thu hoạch “lệch pha” muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng.
Các nhà vườn ở Khánh Sơn cho biết, đầu vụ, hầu hết thương lái đều chốt giá, đặt cọc sầu riêng Khánh Sơn với giá phổ biến từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg đối với sầu riêng giống Monthong; 40.000 - 45.000 đồng/kg với sầu riêng Ri6 và khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg với sầu riêng Chín Hóa.
Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông gặp khó khăn, khi ra thị trường, giá sầu riêng đã bị hạ xuống, nên các thương lái đã đến nhà vườn thương thảo lại giá thu mua với mức giảm từ 5 đến 7 giá so với trước, trên tinh thần đôi bên cùng chịu thiệt do điều kiện bất khả kháng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuy thị trường xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn cầm cự sản xuất với hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường sau khi dịch bệnh được khống chế. Đồng thời cũng xúc tiến tìm các giải pháp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và kinh doanh online, giao hàng tận nơi, để giảm thiểu tồn kho, đồng thời góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng các tỉnh cũng đã vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, như: Tăng cường quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, giải cứu nông sản. Đồng thời, có hướng chú trọng xây dựng hệ thống thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, chế biến thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như ép, sấy dẻo, sấy khô, cấp đông…
Ngoài ra, kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư giàu tâm huyết với nền nông nghiệp sạch và các loại nông sản đặc trưng địa phương. Qua đó, góp phần ổn định đời sống nhân dân địa phương, phát triển kinh tế – xã hội, chung tay vượt bão Covid-19 an toàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024