Tin tức - Sự kiện

Tự sự Covid-19: Thương lắm miền Trung ơi!

DNVN – Sự trở lại của Covid-19 lần này thực sự là một nỗi đau. Bởi chỉ sau 99 ngày bình yên, nền kinh tế nước nhà chưa kịp hồi phục thì lại bị giáng “đòn chí mạng”, nhiều doanh nghiệp lao đao, hàng ngàn lao động tái thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh... Nhịp sống trầm lắng, ảm đạm bao phủ khắp các miền quê, trong đó có khúc ruột miền Trung thương yêu!

Covid-19: Chọn cách sống an nhiên vượt bão / Lâm Đồng: Cuộc sống bên trong khu cách ly tại Công ty của Giám đốc người Nhật nhiễm Covid-19

Nơi ấy có người thân, gia đình, bạn bè, làng xóm của tôi đang phải gồng mình hứng chịu những nỗi lo ám ảnh thường trực. Đó là, bao giờ “bão dịch” sẽ tan? Để vợ chồng, con cái được đoàn tụ; để các em thơ được cắp sách đến trường; để các sĩ tử vững tâm bước vào các kỳ thi quan trọng một cách an toàn. Để người lớn được đi làm, có tiền trang trải, chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Có người nói: “Người ta chết vì nỗi sợ hãi, chứ không phải chết vì bệnh tật”. Có lẽ điều ấy đúng trong tình cảnh này.

Trong khi cả nước gồng mình chống dịch, lại có những tài xế cố tình khai báo "láo" hành trình để trốn tránh cách lý thật đáng bị lên án và xử lý nghiêm.

Trong khi cả nước gồng mình chống dịch, lại có những tài xế cố tình khai báo "láo" hành trình để trốn tránh cách lý, rất đáng lên án và xử lý nghiêm.

Qua theo dõi thông tin, chúng ta không khỏi lo ngại trước sự “tháo chạy”, trốn cách ly; tình trạng “xe ké” chở người từ vùng dịch trở về nhưng tìm cách né chốt kiểm dịch hòng trốn cách ly y tế; hoặc sự thờ ơ của một bộ phận người dân thiếu ý thức, vô tình gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Dẫu biết rằng, dịch bệnh đến là điều không ai mong muốn và càng không mong muốn hơn khi trong lúc nguy khốn nhất, mình lại chơ vơ nơi đất khách quê người mà lòng không yên khi nghĩ đến hơi ấm người thân vẫn ngày đêm ngóng trông. Những lúc ấy, bạn chỉ muốn sà vào lòng mẹ hay trong vòng tay của người thân yêu, để tận hưởng những giây phút bình yên, quên đi những mệt mỏi và nỗi lo dịch dã.

Nhưng liệu bạn có dám chắc sự trở về của bạn từ vùng dịch ấy là “thương” đúng nghĩa? Xin thưa rằng, chẳng có một tình thương bao la, vĩ đại nào bằng sự hy sinh. Hy sinh nỗi nhớ, hy sinh cảm giác trống vắng, lạc lõng trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để mang lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội mới thực sự là “thương”!

Tôi cũng vậy, mặc dù rất nhớ gia đình, quê hương xứ sở, nhưng giữa thời điểm “bão” Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tôi chẳng thể “vô tư” chiều theo cảm xúc mà phải tỉnh táo, kiềm nén nỗi nhớ thương, lấy đó làm động lực để dồn hết tâm trí vào công việc; cầu mong sao tất cả mọi người đều bình an vượt qua đại dịch.

 

Ấy vậy mà, trong một cuộc điện thoại chiều nay, sau khi hỏi thăm tình hình sức khoẻ của gia đình, tôi mới vỡ lẽ cuộc sống của những người dân xứ sở miền Trung quê tôi phảng phất giai điệu trầm buồn hơn nơi tôi đang sống và làm việc!

Ở vùng quê heo hút, quanh năm gắn với ruộng vườn, bên luỹ tre làng; mùa mưa nước ngập ruộng vườn, bão lũ thất kinh; mùa khô nắng cháy da cháy thịt, cỏ rạ trơ gốc, thiếu nước sinh hoạt phải đi gánh, đi chở, đi xin, thậm chí phải mua nước đóng bình về để dùng trong ăn uống hằng ngày...

Thương lắm khúc ruột miền Trung! Dường như bao nhiêu gian khó, khắc nghiệt của điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng không làm sờn gai ý chí kiên cường, đoàn kết, giàu lòng yêu thương và sẻ chia của những người dân lam lũ quê tôi!

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ ra tận xe chào đoàn y, bác sĩ của tỉnh lên đường chi viện cho Đà Nẵng phòng chống Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ ra tận xe chào đoàn y, bác sĩ của tỉnh lên đường chi viện cho Đà Nẵng phòng chống Covid-19.

 

Qua điện thoại, mẹ tôi kể, quê mình đang vào mùa nắng nóng, khô hạn lắm, con ạ! Đã thế, dịch dã cứ lây lan ngày càng nhanh, diễn biến phức tạp, chẳng biết đường nào mà lần! Chỉ thương các y bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội – những chiến sĩ quả cảm đang ngày đêm “căng mình” chống giặc Covid-19 để mang lại sự an toàn, bình yên cho nhân dân.

Ngày nào, loa phát thanh của xã cũng khuyến cáo bà con địa phương chú trọng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn, vệ sinh nhà ở và môi trường sống xung quanh, tránh tập trung đông người khi không cần thiết... Ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành, vì sợ con vi-rút.

Đoạn mẹ chùng hẳn giọng, thực hiện giãn cách xã hội nên các xưởng xí nghiệp, nhà máy cũng hạn chế ngày làm, giảm lương, số lượng người thất nghiệp cũng vì thế mà tăng cao, cuộc sống trở nên chật vật hơn.

Còn nông dân thì có vẻ ít bị biến động hơn. Nhịp sống vẫn cứ bình lặng với những công việc thường nhật, như: Tưới tắm, chăm sóc ruộng vườn, ao chuồng, cắt rau, hái quả... đem ra chợ bán hoặc chờ thương lái đến thu mua. Dĩ nhiên thu nhập sẽ có phần giảm sút so với trước khi có dịch nhưng tâm trạng người dân vẫn rất đỗi bình tĩnh, lạc quan sống, không hề hoang mang lúng túng.

 

Các cụ cao niên thì chăm chỉ tập luyện thể thao, đi bộ quanh nhà để tăng sức đề kháng và dẻo dai. Các em nhỏ dường như “ngoan” hơn, không còn những buổi tụ tập thả diều, đá bóng, trốn tìm, thả câu... vào mỗi buổi chiều mát; mà thay vào đó là tự mày mò làm đồ chơi ở nhà, phụ mẹ nhặt rau, dọn dẹp, nấu cơm...

Đợt vừa rồi, em rể tôi từ Quảng Nam về thăm vợ con cũng tự chủ động cách ly tại nhà 2 tuần, thấy tình hình sức khoẻ ổn định, không có các triệu chứng nghi nhiễm mới dám tiếp xúc gần với mọi người, gần vợ, gần con... Nghe đến đây, tự nhiên trái tim tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng không khỏi xúc động! Bởi dẫu sao gia đình lớn của tôi cũng được bình an và em rể tôi cũng có ý thức tự giác cách ly, chứ không hề chủ quan để mang lại sự an toàn cho những người xung quanh.

Và trong vô thức, tôi tự ngẫm đến mình... Giá như giờ này mình cũng ở quê, cũng được đoàn tụ cùng gia đình, nắm chặt tay, giữ vững niềm tin để truyền cho nhau sức mạnh tinh thần lạc quan, bình tĩnh trước Covid-19 thì thật ấm lòng biết bao!

Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm