Thị trường

Cử tri kiến nghị giảm thêm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu, tuy nhiên cử tri tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, mức giá như hiện tại còn cao do gánh nhiều loại thuế, phí.

Mua bán online "vượt mặt" kênh truyền thống và hồi chuông cảnh báo / Phát triển các mô hình OCOP, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Chú thích ảnh
Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trả lời kiến nghị cử tri về giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Hiện có nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, nguyên liệu sử dụng để sản xuất xăng trong thời gian qua, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhà nước quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu trong nước đang được thực hiện theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Bộ Công thương được giao chủ trì điều hành giá bán xăng dầu; Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về xác định giá cơ sở xăng dầu, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu và giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Như vậy, giá cơ sở xăng dầu được quy định cụ thể là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước và được xác định phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Các chi phí hình thành giá cơ sở xăng dầu khác được công bố công khai, minh bạch.

Trong quá trình điều hành, khi giá cơ sở xăng dầu tăng cao hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm góp phần ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Các sắc thuế đang được áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế BVMT. Pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.

 

Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với các nước ASEAN là 5% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo theo đúng cam kết cắt giảm thuế theo các Hiệp định.

Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN), để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu nhập khẩu cho thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%. Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng là 10%, đối với xăng sinh học E5 là 8% và E10 là 7%. Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định thu thuế TTĐB đối với mặt hàng dầu. Đối với mặt hàng xăng, thuế suất thuế TTĐB của Việt Nam hiện là mức trung bình thấp so với các nước. Ngoài ra, mức thuế TTĐB đối với xăng sinh học cũng được quy định thấp hơn xăng khoáng nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo vệ môi trường.

Về thuế BVMT, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa so với mức trần Biểu khung thuế; riêng mức thuế đối với nhiên liệu bay áp dụng mức sàn Biểu khung thuế trong năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít. Số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 do thực hiện chính sách này vào khoảng 38.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành để tiếp tục đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế BVMT đối với xăng dầu cho 6 tháng năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện các chính sách về giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, nguyên liệu sử dụng để sản xuất xăng trong thời gian qua và trong năm 2023 đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế đến giá xăng dầu trong nước; đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước trong việc tiếp cận nguồn cung xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác của Nhà nước. Những yếu tố đó đã làm giảm đáng kể tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu so với trước đây.

 

“Việc đặt vấn đề tiếp tục điều chỉnh giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu sẽ có những ảnh hưởng đến số thu NSNN trong khi cân đối ngân sách còn khó khăn, nhu cầu chi ngân sách để thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo là rất lớn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm