Thị trường

Đà Nẵng: Sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 tăng mạnh

DNVN - Theo thông tin Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ ngày 15/2, tình hình thị trường TP trong dịp Tết vừa qua diễn ra sôi động với nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm…

Đà Nẵng: Khánh thành loạt công trình giao thông trọng điểm / Du lịch Đà Nẵng dự kiến đón hơn 360.000 lượt khách dịp Tết Giáp Thìn 2024

Theo ghi nhận của Sở Công Thương Đà Nẵng, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nằm trọn trong tháng 2/2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tháng 2/2024 ước đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 11.709 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2023.

Lượng khách, sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Đà Nẵng dịp Tết Giáp Thìn 2024 tăng 25 - 35% so với ngày thường.

Lượng khách, sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Đà Nẵng dịp Tết Giáp Thìn 2024 tăng 25 - 35% so với ngày thường.

Lượng khách và sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chuỗi cửa hàng những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024 tăng 25 - 35% so với ngày thường. Tại các chợ truyền thống tuy không sôi động bằng nhưng lượng khách cũng tăng 10 - 20% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, hoa tươi, trái cây...

Nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm… đã được tổ chức trên địa bàn TP nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như Hội chợ Xuân, Lễ hội Tết Việt Hoà Vang, Chợ Tết công đoàn, Hội Hoa xuân…, cùng nhiều chương trình khuyến mại của các tổ chức, doanh nghiệp; hàng hóa đa dạng, phong phú.

Sở Công Thương Đà Nẵng đã chủ động làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu, trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ lớn chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ Tết với tổng giá trị dự ước khoảng 2.580 tỷ đồng (thịt các loại hơn 185 tấn; rau, củ quả các loại hơn 1.313 tấn, gạo nếp các loại hơn 68 tấn, thực phẩm chế biến, đóng hộp gần 423 tấn…).

Đồng thời Sở tổ chức 19 điểm bán hàng bình ổn 7 mặt hàng gia súc, gia cầm các loại tại các chợ và khu vực đông dân cư từ ngày 6 - 8/2 (tức 27 - 29 tháng Chạp, năm Quý Mão) với giá bán thấp hơn giá thị trường 5 - 10% và giữ ổn định. Trong 3 ngày đã bán bình ổn hơn 26.500 kg thịt heo, bò các loại và trứng với tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng; góp phần duy trì ổn định giá thịt heo, bò, trứng tại các chợ.

Sở cũng vận động doanh nghiệp triển khai bình ổn mặt hàng gạo tại 5 điểm (chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Bắc Mỹ An và chợ Cẩm Lệ) với giá thấp hơn giá bán lẻ tại TP từ 10 - 15%. Đồng thời tổ chức 3 đợt đưa hàng lên bán phục vụ đồng bào miền núi Hoà Vang với tổng doanh số bán ra hơn 150 triệu đồng.

Theo vận động của Sở Công Thương Đà Nẵng, 4 siêu thị (Go!, Coopmart Đà Nẵng, Lotte Mart Đà Nẵng và MM Mega Market) tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, bảo đảm giá cả hợp lý, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị phân phối cũng tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Nhằm ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường dịp Tết, Sở đã thành lập các tổ theo dõi, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu, giá cả thị trường. Đồng thời giám sát việc bán bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm và đưa hàng về phục vụ nhân dân 3 xã miền núi: Hòa Phú, Hòa Bắc và Hòa Ninh.

Đáng chú ý, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng hàng hóa ra thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP tại các cửa hàng xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc thương nhân đầu mối; các siêu thị, trung tâm thương mại từ ngày 25/1 đến ngày 5/2/2024.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm