Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cung cấp điện nông thôn và hải đảo
DNVN - Đây là một trong bảy yêu cầu quan trọng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đặt ra đối với các đơn vị thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo trong giai đoạn tới.
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 35 tỷ USD trong 2020 / Ngân hàng hưởng lợi lớn từ dòng vốn rẻ
Điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Đến hết năm 2019, 100% số xã, 99,26% (tương ứng với khoảng 17,007 triệu hộ dân) số hộ dân khu vực nông thôn đã được tiếp cận điện.
Đến thời điểm hiện nay, chúng ta còn cần triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy đây là các khu vực có suất đầu tư cấp điện cao nhất từ trước đến nay nhưng đây là các khu vực biên giới và hải đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người có ý nghĩa an ninh – quốc phòng quan trọng nên rất cần thiết triển khai trong thời gian tiếp theo.
Cần triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân khu vực nông thôn, miền núi, và hải đảo.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình) do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, một số đại biểu đề cập đến vấn đề huy động tài chính để Chương trình đạt hiệu quả cao bởi đây là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành công của Chương trình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đặt ra 7 yêu cầu tương đương với 7 bước triển khai để thực hiện Chương trình hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Một là, tiếp tục đầu tư vào lưới điện phân phối hiện có.
Trong những năm tới cần một lượng đầu tư đáng kể vào việc cải tạo lưới điện phân phối hiện có để giảm tổn thất điện năng, nâng cao khả năng cung cấp điện của các trạm biến áp 110kV, lưới điện trung thế, hạ thế các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Đặc biệt là lưới điện hạ thế nông thôn trước đây đầu tư tạm thời, chắp vá, không đảm bảo an toàn, các hệ thống này cần phải được cải tạo đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn. Đảm bảo việc tiếp tục và tăng cường đầu tư vào lưới điện phân phối hiện có không chỉ mong đợi vào các hoạt động của Chương trình mà đòi hỏi cố gắng, nỗ lực của EVN trong việc huy động các nguồn lực tài chính khác để nâng cấp, cải tạo lưới điện.
Hai là, đảm bảo tính bền vững của hoạt động quản lý vận hành, kinh doanh bán điện của lưới điện nông thôn.
EVN đã bán điện trực tiếp đến 9.740/10.629 xã/phường, chiếm tỷ lệ 91,6% số xã/phường và bán điện trực tiếp 93,9% hộ dân. Cả nước chỉ còn 488 doanh nghiệp, tổ chức bán điện trực tiếp tại 889 xã, phường với hơn 1,7 triệu hộ dân. Để đảm bảo tính bền vững trong quản lý vận hành, kinh doanh bán điện khu vực nông thôn các tổ chức ngoài EVN, hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc tự nguyện bàn giao cần tiếp tục được bàn giao cho EVN quản lý.
Ba là, mở rộng tiếp cận cho những người dân hiện chưa có điện.
Hiện vẫn còn khoảng 154 ngàn hộ dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo vẫn chưa có điện. Mục tiêu mở rộng tiếp cận điện năng cho các hộ chưa có điện là một thách thức lớn đặt ra cho giai đoạn tới và cần được ưu tiên triển khai ngay sau khi huy động được nguồn lực tài chính. Thách thức là phải xác định được cách thức thích hợp nhất để cung cấp điện cho các hộ còn lại vì hầu hết là ở các vùng sâu vùng xa miền núi, hải đảo, khả năng cấp điện từ lưới điện quốc gia sẽ có suất đầu tư lớn. Hiện nay cần cân nhắc thúc đẩy giải pháp cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo do thời gian gần đây, chi phí của trang thiết bị năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể.
Bốn là, tiếp tục đảm bảo an toàn điện và tăng khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn.
Các cuộc khảo sát những năm gần đây cho thấy không chỉ tỷ lệ các hộ dùng điện tăng lên mà sản lượng điện sử dụng của các hộ gia đình có điện cũng gia tăng đáng kể. Tại các khu vực có điện mới, hoạt động sản xuất kính doanh của các tổ chức, người dân được đẩy mạnh, tốc độ tiêu thụ điện hằng năm tăng trưởng cao. Vì vậy, cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo không chỉ tập trung chủ yếu vào việc cấp điện sinh hoạt như trước đây mà tiến tới đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển dịch kinh tế khu vực nông thôn. Như vậy đặt ra bài toán kinh tế - kỹ thuật cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư lưới điện trong giai đoạn tới. Cách thức tiếp cận điện cho giai đoạn tới cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, cải thiện sinh kế cho các cộng đồng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, chúng ta cần xác định lại tiếp cận điện với tư cách là điện cho phát triển, sử dụng điện cho sản xuất và chuyển dịch kinh tế.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cung cấp điện.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cung cấp điện và đa dạng các giải pháp cấp điện khu vực nông thôn miền núi và hải đảo bằng việc triển khai các hình thức cấp điện nối lưới; hoặc không nối lưới (điện gió, điện mặt trời); hoặc hệ thống lưới điện mini, phân tán tích hợp năng lượng tái tạo, bộ lưu điện, dự phòng diezel nhằm đạt hiệu quả kinh tế-kỹ thuật cao nhất. Đặc biệt nghiên cứu đưa vào sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đã được ứng dụng rộng rãi thời gian qua, có sẵn trên thị trường như máy bơm thủy lợi, máy sấy/làm lạnh, máy chế biến nông nghiệp và các trang thiết bị điện khác như máy móc phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Sáu là, đẩy mạnh các mô hình không nối lưới, cấp điện bền vững bằng năng lượng tái tạo (NLTT), huy động nguồn lực xã hội hóa với sự tham gia của tư nhân, có sự hỗ trợ của nhà nước.
Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã triển khai giải pháp cấp điện NLTT độc lập khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn cho các cụm dân cư nhỏ lẻ tại tỉnh Cao Bằng, giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ dân nếu đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ dân khi cấp điện bằng NLTT. Dự án mang lại hiệu quả tiết kiệm nguồn lực tài chính, trước mắt người dân có ánh sáng điện trong sinh hoạt, sử dụng được các thiết bị nghe nhìn, thiết bị thông tin liên lạc nâng cao dân trí, bám đất giữ làng vùng biên giới tổ quốc.
Ví dụ thứ 2 là trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Mận Thắng 3 vào Chương trình, thực hiện cấp điện 167 hộ dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia. Giảm đầu tư vốn NSNN khoảng 12 tỷ đồng (quy mô khoảng 8 km ĐZ trung thế, 1 TBA, 7,5 km ĐZ hạ thế), dự án đã huy động nguồn tài chính của doanh nghiệp địa phương. Các mô hình trên cần được nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả trong thời gian tới góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân.
Bảy là, phát triển điện nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tập trung quan tâm lồng ghép việc đầu tư các dự án điện nông thôn vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 để đẩy nhanh việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tạo môi trường để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trên cơ sở tiêu chí số 4 về điện giai đoạn 2016 – 2020, có thể xem xét bổ sung/điều chỉnh để phù hợp từng cấp bậc đánh giá xã/huyện nông thôn mới đạt chuẩn, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 phục vụ đánh giá việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo