Thị trường

Kết nối tiêu thụ nông sản thay thế cho "giải cứu" để tạo dựng vị thế cho nông sản Việt

DNVN - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc triển khai thực hiện các điểm kết nối tiêu thụ nông sản cũng là dịp để tạo dựng lại hình ảnh của nông sản Việt Nam. Đó không chỉ là hình ảnh nông sản xuất khẩu mà còn là sản phẩm nông nghiệp dành cho 100 triệu dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để người dân cảm thấy tự hào về nông sản mà mình làm ra.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất tại Bắc Giang / Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang

Từ ngày 7/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức 5 điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản tại TP. Hà Nội tại các địa chỉ: Số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; số 68B đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa; Điểm bán Xanh, 34 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy; cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê, B23, X3, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm; cửa hàng Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, 186 phố Hồng Tiến, Đình Cổ Linh, Bồ Đề, quận Long Biên.

Những nông sản được cung cấp, kết nối tiêu thụ theo mô hình cam kết thực hiện theo đúng quy trình, quy định, từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản để đảm bảo chất lượng tươi, ngon, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian thu hái, đóng gói... đồng thời có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19. Các sản phẩm này cũng được kết nối, tiêu thụ đến bếp ăn của các cơ quan, đơn vị và các gia đình Việt.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết nối tiêu thụ nông sản là dịp để tạo dựng lại hình ảnh nông sản Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết nối tiêu thụ nông sản là dịp để tạo dựng lại hình ảnh nông sản Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội cùng thực hiện để kết nối tiêu thụ nông sản nhưng cũng là dịp để tạo dựng lại hình ảnh của nông sản Việt Nam. Đó không chỉ là hình ảnh nông sản xuất khẩu mà còn là sản phẩm nông nghiệp dành cho 100 triệu dân Việt Nam.

“Nếu dùng từ "giải cứu" thì mục tiêu của chúng ta chỉ là tiêu thụ nông sản một cách nhiều nhất cho bà con. Nhưng với mô hình như này, chúng ta sẽ xây dựng được hình ảnh nông sản Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn mà sắp tới sẽ trở thành sự chuyển động trong mục tiêu của ngành nông nghiệp là vừa gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa chú trọng thị trường 100 triệu dân, một thị trường đòi hỏi chất lượng nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và có trách nhiệm với xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: “Mục đích của mô hình kết hợp giữa Bộ NN-PTNT và các tổ chức chính trị, xã hội không phải là bán hàng giúp người nông dân. Qua đây chúng tôi muốn giới thiệu để dần dần sẽ có những mô hình giúp xã hội cùng đồng hành với nông sản Việt nói chung và nông sản trong mùa dịch nói riêng. Mục tiêu chính là không để ùn ứ nông sản vì tác động của đại dịch và cũng là để người nông dân cảm thấy tự hào về nông sản do mình làm ra, có trách nhiệm với người tiêu dùng".

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, Trung tâm sẽ thực hiện chương trình kết nối cho các sản phẩm theo mùa vụ như nhãn, na Lạng Sơn, bí Bắc Kạn… bằng phương thức thành lập những Fanpage, kinh doanh trực truyến trước tình hình phức tạp của dịch bệnh. Các sản phẩm được bày bán sẽ được địa phương cam kết đảm bảo vệ sinh phòng dịch cũng như được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nông sản khi được vận chuyển về Hà Nội sẽ được xử lý theo quy định an toàn dịch bệnh và được kinh doanh với giá cả ổn định.

Cũng theo ông Đào Văn Hồ, các địa phương sẽ phải hoàn toàn chủ động phương án tiêu thụ cho sản phẩm của mình còn Bộ NN-PTNT sẽ chỉ là cầu nối giữa các địa phương khi số lượng nông sản quá lớn hay việc tiêu thụ gặp phải những bất trắc như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm