Thị trường

Để làng nghề Việt từ lũy tre làng vươn ra thế giới

DNVN - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh qua mấy nghìn năm. Nhưng "Làm sao để làng nghề Việt từ lũy tre làng vươn ra thế giới?" thực sự vẫn là câu hỏi khiến các nhà quản lý, các doanh nghiệp và doanh nhân trăn trở.

Bất động sản công nghiệp: Chuyên gia nêu 5 nhóm vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm / Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, Doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề tổ chức hồi cuối năm 2019 tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: Thực tế cho thấy, làng nghề không chỉ là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền; nơi huy động được nguồn lực của người dân ở khu vực nông thôn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương, mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế cho nhiều hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp mà còn là nơi lưu giữ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống và bộ mặt khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
"Phát triển làng nghề là những biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH, sản xuất hàng hoá, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và còn là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa", ông Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Du lịch)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy làng nghề cả nước nói chung, Bắc Ninh nói riêng phát triển còn chậm; công nghệ sản xuất còn lạc hậu; thiếu mặt bằng sản xuất; khả năng tiếp cận vốn khó khăn; yếu kém về quản trị cơ sở và tiếp thị; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; hoạt động và quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, tự phát; vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề…
Theo đánh giá của TS. Dương Đình Giám, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp, truyền nghề và phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển làng nghề, là nội dung quan trọng nhất của chính sách khuyến công đã và đang thực hiện.
Thực tế, những thợ cả nghệ nhân đã truyền nghề cho những lao động trong gia đình, họ hàng, người yêu nghề đạt kết quả tốt (bằng chứng là nhiều thợ không qua các lớp mà được truyền nghề, đến 97% thành nghề là do cha truyền con nối). Trong thời gian vừa qua, một số dự án khuyến công thiếu thầy dạy, thời gian thực hành ngắn, dạy nghề không phù hợp với thực tế địa phương về nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, học nghề xong không có việc làm, dẫn đến khai giảng, bế giảng khá đủ nhưng người học thành nghề rất ít.
TS. Dương Đình Giám đề xuất, cần song hành đào tạo tập trung và truyền nghề tại nơi sản xuất. Các trung tâm khuyến công cấp tỉnh phối hợp với địa phương, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu học nghề, xây dựng chương trình chuẩn về giáo trình, giáo cụ thực hành, kết hợp dạy nghề và khởi nghiệp, hình thành nhóm học viên từ 10 người trở lên cùng nhau thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác có sự giúp đỡ của chính quyền về thủ tục thành lập cùng các ưu đãi, các doanh nghiệp giúp HTX về điều kiện sản xuất như góp vốn, cho vay bao tiêu sản phẩm, bán thành phẩm.
Cũng đề cập tới vấn đề nhân lực, bà Vũ Thị Mai - Chủ tịch Hiệp hội CLB Doanh nhân tư nhân Hà Nội, Phó GĐ Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mai cho biết, thoát khỏi “Lũy tre làng” với mong ước đổi đời, nhiều thanh niên còn chọn con đường đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hiện nay xuất khẩu lao động đang ở trong thời kỳ nở rộ tại nhiều làng quê tuy đã gây nên một nghịch lý thiếu lao động trẻ một cách trầm trọng tại địa phương. Bên cạnh đó cũng nó còn lấy đi sự quần tụ của các thế hệ vốn là truyền thống hàng ngàn đời ở nông thôn Việt Nam.
Theo cục Quản lý Lao động ngoài nước Bộ LĐTBXH ước tính năm 2018 cả nước có hơn 140.000 lao động đi làm việc theo nước ngoài, tăng 7% so với kết quả của năm 2017. Chủ yếu nguồn lao động này lấy từ các vùng nông thôn trên cả nước.
Nguyên nhân sâu xa chính là việc thiếu chủ động trong công tác tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực tại chính quyền địa phương. Đặc biệt là việc chú trọng đầu tư phát triện nội lực hiện có của các làng nghề truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, quảng bá nhằm lan rộng những thương hiệu của các làng nghề truyền thống Việt Nam một cách quy mô, bài bản và chuyên nghiệp.
Bà Vũ Thị Mai cho rằng, từ sự nhận thức sâu sắc trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của làng nghề Việt Nam, chúng ta nên đặt sự quan tâm đặc biệt cho việc đầu tư mọi mặt cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Tiên phong phải là công tác tuyên truyền giáo dục cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của làng nghề Việt Nam.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, làng nghề Việt Nam có một sức sống mới, phong phú hơn, được chú ý về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu phát triển du lịch làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm cải tiến mẫu mã…Tại các làng nghề ra đời nhiều công ty mới, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế. Thị trường trong nước cũng có điều kiện phát triển như mặt hàng nội, ngoại thất, sản phẩm văn hóa tâm linh…
"Chính vì vậy, theo tôi, chúng ta nên xây dựng hình thành bảo tàng làng nghề và thúc đẩy bảo tàng hoạt động hiệu quả, trước hết các làng nghề cần xây dựng được hệ thống sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, mang đặc trưng riêng; đi kèm là việc hệ thống hóa các tư liệu lịch sử liên quan làng nghề. Bảo tàng làng nghề cần được tổ chức một cách khoa học với hệ thống các công cụ sản xuất, nghệ nhân dân gian, sản phẩm nghề truyền thống, công nghệ, kỹ năng sản xuất, lễ hội, sinh hoạt văn hóa gắn với làng nghề...", bà Mai đề xuất.
Bên cạnh đó, sự kết nối giữa mô hình bảo tàng thông minh với ngành du lịch và các chương trình giáo dục trong nhà trường, cộng đồng cần được thiết lập và thắt chặt. Qua đây, góp phần mở rộng đối tượng tham quan và đa dạng hoá các chương trình trải nghiệm, học tập, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của bảo tàng làng nghề. Ðây cũng là cách hữu hiệu để bảo tồn, quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hiện tại.
Và điều đặc biệt quan trọng, theo bà Vũ Thị Mai, đó là phải kết nối cộng đồng làng nghề phát triển du lịch, hội nhập quốc tế là những yếu tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá nghề, làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề truyền thống ở các vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.
Chỉ khi các bước đi trên được thực hiện hiệu quả thì ước mơ “Làng nghề Việt từ lũy tre làng vươn ra thế giới” mới sớm trở thành hiện thực.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm