Dệt may 'mừng và lo' trước thềm EVFTA
Phạt tiền 5 cơ sở vi phạm quy định kinh doanh thiết bị y tế / Hà Tĩnh: Nuôi dế thương phẩm thu 500 nghìn đồng/ngày
Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.
Lo xuất xứ nguyên phụ liệu
Tuy nhiên, EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, châu Âu là thị trường lớn thứ 2 của xuất khẩu dệt may, vì vậy EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra những thuận lợi cực kỳ lớn.
Tuy vậy, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Hồng cho rằng cơ hội đó chưa thể nắm bắt ngay. Hiện nay, nguyên phụ liệu của ngành dệt may chỉ đáp ứng được 20-25% quy tắc xuất xứ như phía EU đưa ra. Nếu tỷ lệ này vẫn "dậm chân tại chỗ" chắc chắn ngành dệt may Việt Nam sẽ đánh mất đi cơ hội của chính mình.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi chúng ta mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính,bởi doanh nghiệp (DN) ngại đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.
Theo ông, để phát triển nguyên phụ liệu, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, có những ưu đãi về vốn, đất đai, thuế...
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM dự báo ít nhất tới quý IV/2020, xuất khẩu dệt may Việt Nam mới có thể hồi phục, trở lại tăng trưởng dương.
Hơn nữa, thị trường dệt may hậu Covid-19 sẽ có những thay đổi về cơ cấu mặt hàng, người dùng thế giới ưa chuộng các sản phẩm thiết yếu như quần áo hơn là sản phẩm thời trang. DN dệt may cần phải thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng sự chuyển đổi mặt hàng trên.
Mừng vì xuất khẩu sẽ sớm phục hồi
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự báo nhu cầu dệt may sẽ có phục hồi từ quý III/2020, bắt đầu bằng việc phục hồi các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước. Dù vậy, ông Trường dự báo, khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20-25%.
Các năm tiếp theo, tiến trình hồi phục sẽ gắn liền với tỷ lệ có việc làm ở Mỹ và EU. Xu thế sản phẩm xanh, tỷ lệ tiêu dùng ít đi sau khi xem xét lại hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ là chủ đạo, dẫn hướng thị trường dệt may thế giới.
Đi sâu vào dự báo sự trở lại của nhu cầu hàng hóa dệt may, ông Trường phân tích, có 3 yếu tố là: Hoàn cảnh kinh tế, nhận thức, niềm tin và thái độ sẽ có vai trò dẫn dắt quá trình phục hồi nhu cầu.
Thứ nhất, hoàn cảnh kinh tế sẽ có vai trò quan trọng nhất với nhóm khách hàng đang gặp khó khăn về việc làm, kể cả khi còn đang được nhận trợ cấp xã hội thì họ cũng không có khả năng đáp ứng các nhu cầu như khi có việc làm. Chính vì vậy, nhu cầu trang phục với họ là tối thiểu, hàng basic như quần áo denim, áo dệt kim, áo jacket 2-3 lớp thay cho suite, sơ mi, quần âu. Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý III, quý IV/2020. Khả năng phục hồi các mặt hàng cao cấp phụ thuộc vào tiến trình tạo việc làm mới tại EU và Mỹ, nếu phục hồi tốt có thể hy vọng sự phục hồi mặt hàng cấp trung trở lên vào lễ Giáng sinh 2020.
Thứ hai, ảnh hưởng của nhận thức. Qua thời gian cách ly, con người có dịp xem xét lại toàn bộ quá trình sống, chi tiêu, sử dụng các sản phẩm,… và không ít người trong số đó sẽ phát hiện ra dường như mình tiêu dùng quá “lãng phí”. Đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến hiệu chỉnh nhu cầu sau dịch. Nếu điều này diễn ra trên diện rộng, đại diện Vinatex nhận định tổng cầu thế giới sẽ không tăng so với 2019 trong 3 – 4 năm tới vì nhận thức và hành động mang tính tiết kiệm của người tiêu dùng. Dự báo ảnh hưởng này sẽ dẫn tới nhu cầu 2020 giảm khoảng 20%, năm 2021 vẫn thấp hơn giao dịch của năm 2019 10% và đến năm 2022 cầu mới tương ứng mức giao dịch năm 2019.
Thứ ba, niềm tin và thái độ của người tiêu dùng, cảm giác không an toàn sẽ còn đè nặng lên tâm lý tiêu dùng trong ít nhất 5 năm tới. Tỷ lệ tiết kiệm sẽ cao hơn so với trước kia sẽ là nguyên nhân chính dẫn dắt tổng cầu hàng hoá cơ bản như dệt may bước vào 1 giai đoạn trầm lắng, không tăng trưởng. Về thái độ tiêu dùng cũng sẽ hướng tới gần hơn các sản phẩm bảo vệ môi trường, nhất là sau khi giãn cách xã hội, người ta thấy rõ sự cải thiện về chất lượng không khí và sự lành lại của lỗ thủng tầng ozone. Xu thế thay thế rất nhanh các sản phẩm không tái chế được, sản xuất bằng công nghệ không sạch trong thời gian khoảng 5 năm tới.
Cùng với đó, các chuyên gia nhận định, sau bài học về chuỗi cung ứng gián đoạn ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19, ngày một nhiều hơn các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ muốn đa dạng hóa và tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế. Cũng như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia và nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy để gia tăng thị phần xuất khẩu trong thị trường thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp dệt may kiến nghị, Nhà nước chỉ nên thu hút FDI đầu tư vào khâu dệt nhuộm, còn khâu may mặc doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương.
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam nên mở rộng tìm kiếm những thị trường mới ngoài Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Canada và các nước trong khu vực Asean, CPTPP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến ngành dệt may khó tận dụng cơ hội từ EVFTA (Ảnh: Tư liệu)