Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi gì nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

DNVN - Dự kiến vào tháng 7 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Giới chuyên gia nhận định, việc Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường sẽ tạo lợi thế cho cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam...

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Kazakhstan / Đà Nẵng Rà soát hoạt động các tuyến phố chuyên doanh, chợ đêm

Ngày 8/9/2023, Chính phủ Việt Nam đã chính thức yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Đến ngày 8/5 vừa qua, DOC đã tổ chức phiên điều trần để xem xét hồ sơ, và quy trình điều tra này. Tính từ ngày đề xuất chính thức tới ngày đưa ra quyết định là 270 ngày, dự kiến, ngày 26/7 tới, DOC sẽ chính thức có kết luận cuối cùng.

Công ty chứng khoán BSC nhận định, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động tích cực trong dài hạn hơn là ngắn hạn.

Việt Nam sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện năng suất lao động, tránh được bẫy thu nhập trung bình và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ ảnh hưởng tích cực đối với xuất khẩu.

Hiện tại, Mỹ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Trong trường hợp Mỹ tổ chức điều tra chống bán phá giá với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 (được coi là nền kinh tế thị trường) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu thực. Điều này khiến con số được tính toán ra có thể có biên độ phá giá lớn, khiến mức thuế chống bán phá giá Việt Nam phải chịu cao hơn.

Nếu trong tháng 7 năm nay, Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì trong trường hợp bị điều tra, Mỹ sẽ lấy chính giá sản xuất của Việt Nam, phần nào phản ánh chính xác nền kinh tế trong nước hơn.

Theo BSC, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ ảnh hưởng tích cực đối với xuất khẩu. Hiện tại Mỹ là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng ~30%. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.

Ngoài ảnh hưởng tích cực đối với tỷ giá, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường còn tác động tích cực đối với dòng vốn FDI. Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI. Việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế chống bán phá giá sẽ tạo ra một sân chơi an toàn, lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, điều này cũng sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam hơn nữa.

Với riêng lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP ) đánh giá, xuất khẩu thuỷ sản có nhiều thuận lợi nếu Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỷ USD – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18% - 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…

"Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp trong thời gian tới.

Ngoài những vấn đề như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước", bà Hằng đánh giá.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc công nhận này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.

Được biết, hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm