Thị trường

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhờ đổi mới kích cầu

Mặc dù hiện đang là giai đoạn của mùa mua sắm thấp điểm, nhưng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được đà tăng doanh thu. Kết quả đến từ những nỗ lực không ngừng của nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong đổi mới kích cầu tiêu dùng kéo sức mua trên thị trường.

Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế / Emirates đang khai thác bao nhiêu máy bay chở hàng và chở khách tại Đông Nam Á?

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh ưu tiên mua sắm những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi. Ảnh (tư liệu): Mỹ Phương/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 trên địa bàn TPHồ Chí Minh đạt 108.120 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ. Tính 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Ghi nhận ở lĩnh vực bán lẻ có những nhóm hàng đạt mức tăng cao như lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình; vật phẩm văn hoá, giáo dục; xăng, dầu; đá quý, kim loại; hàng hóa khác; sửa chữa xe có động cơ... Còn ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng cao do TPHồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc trưng ở từng quận, huyện để thu hút người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.

Điển hình, Liên hiệp Hiệp hợp tác Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang chạy chương trình "Tri ân từ trái tim" trên toàn hệ thống. Ghi nhận sau một tuần diễn ra, sức mua của hệ thống tăng từ 30 - 50%, lượt truy cập vào website mua sắm Co.opOnline cũng tăng gấp đôi so với ngày thường.

Từ nay đến ngày 15/11/2023, Saigon Co.op chạy luân phiên các hoạt động, gồm: Deal hot thành viên – Đặc quyền riêng bạn; Siêu ưu đãi - Deal khủng cuối tuần; Ưu đãi thành viên - Thêm ngàn điểm thưởng... Đồng thời, tùy theo từng hoạt động cụ thể, mà người tiêu dùng có cơ hội nhận được mức ưu đãi lên đến 50% khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, với hàng loạt chương trình giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1, hàng giá 0 đồng, cấp độ thành viên càng cao càng nhiều ưu đãi... khách hàng sẽ tiết kiệm chi tiêu rất nhiều khi mua sắm trong chương trình "Tri ân từ trái tim" trước khi bước vào cao điểm tiêu dùng cuối năm. Đồng thời, chương trình cũng thiết kế phong phú hoạt động, phù hợp với từng nhóm khách hàng, nhất là nhóm gen Z – khách hàng tiềm năng của Co.opmart, Co.opXtra.

 

Điểm nhấn là chương trình lãnh đạo Saigon Co.op đồng loạt đến từng điểm bán phục vụ khách hàng (thuộc chương trình Let’s Co.op – Let’s serve); Co.opmart, Co.opXtra còn tổ chức chuỗi workshop vào ngày cuối tuần. Khách hàng tham gia được hướng dẫn trồng cây, vẽ tranh lên túi, nhận quà khi chơi minigame...

Bước sang tháng 11/2023, tiếp tục duy trì đa dạng hoạt động kích cầu trên thị trường, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh... trên địa bàn TPHồ Chí Minh đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá cho đa dạng hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước đến TPHồ Chí Minh tiếp tục được thụ hưởng các ưu đãi kéo dài từ nay đến cuối năm.

Cụ thể, tại LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi "Thế giới hàng nhập khẩu" mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm nhiều sản phẩm nhập khẩu chất lượng với giá thành tốt. Chẳng hạn, táo Envy New Zealand túi 1kg, giá thành viên còn 129.000 đồng/túi; mì Shin Ramyun 114g, giá thành viên còn 24.900 đồng/sản phẩm; cá hồi Nauy phi lê thân, giá khuyến mại còn 549.000 đồng/kg; bánh que LOTTE Pepero 32/39/47g, giá giảm còn 15.700 đồng/hộp... Chương trình còn áp dụng ưu đã cho khách hàng thành viên với hóa đơn từ 500.000 đồng được mua 1 sản phẩm giá sốc.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHồ Chí Minh cũng khởi động chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Tết Giáp Thìn 2024) như Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) công bố sẵn sàng nguồn thực phẩm phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 với tổng ngân sách hơn 540 tỷ đồng, tương đương so với sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết Quý Mão năm 2023. VISSAN đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Đồng thời, VISSAN còn thực hiện dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Trong thời gian qua, để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và mua sắm tiện lợi, VISSAN còn cung ứng đầy đủ mặt hàng thực phẩm chế biến và thực phẩm tươi sống tươi ngon, chất lượng thông qua kênh bán hàng trực tuyến chính thức Vissanmart.com của công ty tại TPHồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Cùng với đó, VISSAN tham gia bán hàng trên đa dạng nền tảng thương mại điện tử liên kết như SendoFarm, Foody, Grab, Loship, TikiNgon...

 

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Xuân Hòa, cư ngụ tại quận 1, TPHồ Chí Minh chia sẻ, với bối cảnh nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua trên thị trường thấp, thì hoạt động khuyến mãi, giảm giá là một trong những giải pháp gây chú ý đối với người tiêu dùng. Tuy vậy, hoạt động khuyến mãi, giảm giá diễn ra luân phiên thường xuyên cũng làm giảm sức hút khách hàng, nên chỉ những chương trình ưu đãi thiết thực mới tạo động lực mua sắm cho khách hàng.

Cùng quan điểm, nhiều người dân khác trên địa bàn TPHồ Chí Minh cho rằng, tâm lý tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày hơn những sản phẩm xa xỉ hay dịch vụ vui chơi, giải trí. Bởi vào giai đoạn những tháng cuối năm, cũng là thời điểm cận Tết, người dân có phổ biến ưu tiên chi tiêu tiết kiệm để tích lũy chuẩn bị sắm Tết cho gia đình, hay một số hoạt động khác như về quê nghỉ Tết, du lịch dịp Tết...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm