Thị trường

EVFTA đẩy áp lực cạnh tranh của DN và nhu cầu phòng vệ thương mại tăng lên

DNVN - Với mức độ cắt giảm thuế quan rất cao của EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, từ đó kéo nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) tăng theo.

EVFTA là đòn bẩy cho cá ngừ xuất khẩu sang EU / EVFTA và Covid-19 tác động như thế nào đến BĐS công nghiệp Việt Nam 2020?

PVTM có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để “bảo vệ” các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai tích cực, có hiệu quả hiệu quả nhằm phát huy vai trò của các biện pháp PVTM, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đảm bảo môi trường thương mại công bằng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đặc biệt bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta, trong đó có các ngành quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), nông sản, thép, gỗ...
Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), khi EVFTA đã chính thức được ký vào ngày 30/6/2019 vừa qua và dự kiến sẽ sớm được phê chuẩn và có hiệu lực trong thời gian tới thì PVTM có ý nghĩa lớn hơn.
DN phải làm gì khi gia tăng nhu cầu sử dụng PVTM?
Trả lời câu hỏi của phóng viên "PVTM của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì và doanh nghiệp cần phải làm gì khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực?", ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Khi hiệp định này có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai bên sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa hai bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.
"Với việc EVFTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất quan, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM cũng sẽ tăng", ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)
Ông Lê Triệu Dũng cho biết, việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực".
Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên ông Lê Triệu Dũng cho rằng, không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.
Đưa ra khuyến cáo cho các DN xuất khẩu của Việt Nam, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại chia sẻ, các DN cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu. Bộ Công Thương (Cục PVTM) sẵn sàng hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tìm hiểu các nội dung này.
Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.
Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa liên quan, DN cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. Theo đó, trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để Bộ Công Thương tổng hợp trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ; Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan PVTM để có các kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp; Phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm