EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần
Làng hoa trăm tuổi Cần Thơ chuẩn bị đón Tết / Logistics trước áp lực cạnh tranh - Bài 1: Làm chủ cuộc chơi
Ảnh minh họa
Bộ Công thương vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện. EVN cũng sẽ xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần.
Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần, thực hiện tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành, quy định tại Quyết định số 249/QĐ-BCT (ngày 8/11/2023) của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện.
EVN cũng được yêu cầu tổ chức truyền thông, lấy ý kiến rộng rãi với cơ chế và lộ trình áp dụng giá bán điện hai thành phần theo đề xuất. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá tác động đối với việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân cũng như tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần.
Báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công thương đề nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Với giá điện hai thành phần, nhà cung cấp sẽ đưa ra các gói sản phẩm tương ứng biểu giá khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng khách hàng
Về định nghĩa, giá điện năng thị trường là mức giá cho một đơn vị điện năng xác định cho mỗi chu kỳ giao dịch, áp dụng để tính toán khoản thanh toán điện năng cho các đơn vị phát điện trong thị trường điện.
Giá công suất thị trường là mức giá cho một đơn vị công suất tác dụng xác định cho mỗi chu kỳ giao dịch, áp dụng để tính toán khoản thanh toán công suất cho các đơn vị phát điện trong thị trường điện.
Với giá điện hai thành phần, nhà cung cấp sẽ đưa ra các gói sản phẩm tương ứng biểu giá khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng khách hàng. Ví dụ, hai khách hàng cùng tiêu thụ 30kWh/ngày nhưng khách hàng dùng 30kWh trong 1 giờ sẽ được tính giá khác với khách dùng 30kWh trong vòng 24 giờ.
Lý do là chi phí mà các khách hàng này gây ra cho hệ thống điện khác nhau. Khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng theo tháng (theo kWh) nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.
Áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kWh hoặc đồng/kVA - đều là các đơn vị biểu trưng cho công suất của dòng điện) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Điều này góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.
Việc áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Xuất phát từ quan điểm trên, cơ chế giá điện hai thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.
Trước đó, liên quan đến giá điện hai thành phần, đại diện Bộ Công Thương cho biết theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, giá điện 2 thành phần gồm giá công suất tính theo kW và giá điện năng tính theo kW/h. Phương pháp này chỉ áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh, chứ không áp dụng cho khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt.
"Đây là cơ chế mới, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp giá điện 2 thành phần với một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo