Thị trường

Giá thịt lợn tăng cao nhất nhì thế giới, ai chịu trách nhiệm?

DNVN - Giá thịt lợn tăng kỷ lục như hiện nay đã tạo áp lực khá lớn lên đời sống của người dân. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Trách nhiệm thuộc về Bộ NN & PTNN trong việc quản lý đàn lợn, hay vai trò của Bộ Công thương trong việc phân phối thịt lợn đến tay người tiêu dùng?

Cải cách hành chính hướng tới nền hành chính phi giấy tờ, giúp DN vực dậy nhanh hơn hậu Covid-19 / Phát động giải báo chí về đề tài: “Thảm hoạ da cam trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ Nhất

Theo ghi nhận trên thị trường, thời gian gần đây giá thịt lợn hơi trên cả nước đã tăng kỷ lục lên mức hơn 100.000/kg dẫn đến giá thịt lợn thương phẩm cũng ở mức cao nhất nhì trên thế giới. Nhiều mặt hàng thịt lợn thương phẩm có giá hơn 200.000/kg, đặc biệt có những loại lên đến hơn 400.000/kg.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm đến nay đã có nhiều cuộc họp yêu cầu phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn và bình ổn giá thịt lợn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì giá của mặt hàng này vẫn không ngừng tăng lên.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT vào đầu tháng 5, tổng đàn lợn của cả nước có khoảng 23 triệu con. Bộ này cho biết, dịch tả lợn châu Phi làm chết 7 triệu con chiếm 20% trên tổng đàn lợn của cả nước và tương đương với tổn thất 10% sản lượng thịt. Bộ NN&PTNT vẫn khẳng định nguồn cung thịt lợn chỉ giảm khoảng 20%. Đây là một vấn đề đang dấy lên nhiều tranh cãi, liệu con số thống kê này có chính xác khi giá thịt lợn vẫn đang có dấu hiệu tăng không ngừng như hiện nay?

Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 999,7 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó thịt lợn đông lạnh đạt 39,7 triệu USD (tăng 444,5%)

Hiện nay, có khá nhiều những quan điểm, ý kiến trái chiều về việc giá thịt lợn tăng cao như hiện nay thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Và chúng ta cần có những biện pháp giải quyết như thế nào để giá thịt lợn có thể bình ổn trở lại như thời gian trước đây. Trong buổi trả lời trực tiếp trên VTCNow vào sáng 27/5, cả người chăn nuôi và các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp trao đổi thẳng thắn và đưa ra những giải pháp cho vấn đề này.

Giá thịt lợn tăng “phi mã” ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Giá thịt lợn tăng chưa có dấu hiệu giảm, trách nhiệm thuộc về ai?

Thịt lợn tăng giá “phi mã”, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Trước tình hình giá thịt lợn tăng quá cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Hội viên của Hội Chăn nuôi tỉnh Hải Dương cho rằng: Lỗi để giá thịt lợn tăng đột biến như hiện nay là do khâu quản lý, kiểm soát và phân bổ quy hoạch của ngành chăn nuôi. Một nghịch lý vẫn đang tồn tại đó là: Trong khi nhà nước kêu gọi tái đàn nhưng bên cạnh đó lại kêu gọi phải giảm giá thịt lợn, thì làm sao có thể người chăn nuôi mặn mà với việc tái đàn lợn được?

Nếu như việc hợp tác với các nước Châu Âu thành công, hiện tại thịt lợn Châu Âu đang có giá thấp hơn gấp 3 lần Việt Nam do công nghệ kỹ thuật của họ tiên tiến hơn, nếu như đưa thịt lợn từ Châu Âu tràn vào Việt Nam thì ông Dũng lo ngại ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị phá sản vì không cạnh tranh được. Vì vậy Bộ NN&PTNT cần cân nhắc xem điều kiện của Việt Nam có phù hợp hay không và cần quan tâm đến lợi ích của người chăn nuôi Việt Nam.

Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia thương mại thì lại cho rằng: Cần phải xem xét lại vai trò của các cơ quan Nhà nước trong đó cần chú trọng đến vai trò của Bộ NN&PTNTtrong việc quản lý đàn lợn và Bộ Công thương trong việc phân phối đến tay người tiêu dùng. Hiện tại Bộ NN&PTNT còn chưa nắm được đầy đủ số lượng đàn lợn hơi trong các doanh nghiệp lớn chứ không phải chỉ trong dân.

Bên cạnh đó, ông Phú cho rằng, các Bộ ngành có liên quan cần xem xét lại phần việc và trách nhiệm của mình để góp phần chia sẻ trách nhiệm, tìm ra những sáng kiến tốt hơn để có thể kiểm soát được giá cả thịt lợn.

"Thực tế hiện nay trong khi Chính phủ yêu cầu bằng mọi cách phải giảm giá thịt lợn thì các doanh nghiệp lại cùng nhau đồng loạt tăng giá . Phải chăng có sự liên kết ngang giữa các đơn vị, lợi dụng tình hình dịch bệnh để bảo nhau cùng tăng giá", ông Phú đặt câu hỏi.

Giải pháp nào để bình ổn giá thịt lợn?

Tại thời điểm toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nguồn cung thịt lợn bị thiếu nghiêm trọng, khả năng tái đàn cũng không phải là một sớm một chiều. Việc đưa ra một giải pháp hiệu quả cho việc làm sao để bình ổn giá thịt lợn đang được rất nhiều người quan tâm.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Để bình ổn được giá thịt lợn trước tiên phải nắm được chính xác số lượng đàn lợn xuất chuồng hiện có để có những điều chỉnh cho chính xác. Theo ông Phú thì mặt hàng thịt lợn nên đưa vào danh mục bình ổn giá. Thứ hai là các bộ ngành nên đề xuất những chính sách về thuế, phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, theo ông Phú, cần phải công khai trong sản xuất thịt lợn từ chăn nuôi đến sản xuất phân phối, cố gắng đi thẳng từ chăn nuôi đến lò giết mổ bán lẻ chứ không cần qua quá nhiều khâu trung gian như hiện tại. Chúng ta cần phải có những biện pháp để giải quyết những vấn đề thực tế đang diễn ra chứ không nên nói xuông.

Còn ông Trần Duy Khanh - Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam lại cho rằng, quan trọng nhất là vai trò của Bộ NN&PTNTphải có những chính sách cụ thể. Bộ đưa ra yêu cầu cần phải tái đàn thì cần phải xem người dân tái đàn như thế nào? Con giống ở đâu? Công tác thú y phòng dịch như thế nào?.. Chứ không thể hô hào xuông được.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần phải có tầm nhìn chiến lược; các số liệu thống kê của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần phải chính xác, cụ thể. Theo ông Khanh thì hiện nay Bộ Công thương đang buông lỏng thị trường cho thương nhân thao túng, công tác quản lý còn khá là lỏng lẻo.

"Các bộ, ngành cũng cần xem xét để các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt lợn, hoặc có thể miễn thuế phí cho các doanh nghiêp nhập khẩu thịt lợn để thỏa cơn khát thịt lợn cho người dân ở thời điểm hiện tại", ông Khanh nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm