Gỡ khó cho các dự án điện gió
Pha chế xăng dầu khi chưa được cấp giấy chứng nhận bị phạt đến 60 triệu đồng / Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP
Tính đến hết tháng 10/2021, trong tổng số 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ có 84 dự án được công nhận vận hành thương mại, hưởng cơ chế giá FIT, tức là giá bán điện ưu đãi, 8,5 cent/kWh với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm. Số còn lại với tổng công suất khoảng 3.500 megawatt (MW) đã không kịp tiến độ và không được công nhận.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài được cho là nguyên nhân khiến các dự án này không hoàn thành và mất đi cơ hội hưởng chính sách khuyến khích.
Sau hơn 4 tháng nhập khẩu, thiết bị chuyên dụng mới được thông quan và đưa vào sử dụng để phục vụ cho dự án điện gió Hưng Hải, tỉnh Gia Lai. Dự án này được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 100 MW. Dù chạy đua với thời gian, nhưng chỉ có 1/25 trụ tuabin gió được công nhận và kịp vận hành thương mại.
Còn với 2 dự án điện gió khác, với tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, dù nhà đầu tư đã nỗ lực hết mình, nhưng do dịch bệnh kéo dài, nên đến hết ngày 31/10/2021 cũng chỉ có 11/64 trụ kịp hưởng giá bán điện ưu đãi.
Tính đến hết tháng 10/2021, trong tổng số 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ có 84 dự án được công nhận vận hành thương mại, hưởng cơ chế giá FIT. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ có một cơ chế để kéo dài thời gian giá FIT, để bù lại cho chúng tôi khoảng thời gian bị mất đi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Còn về mặt dài hạn, chúng tôi mong muốn Bộ Công thương, EVN tính toán để chúng tôi có được cơ chế giá có thể bán được điện, xác định được hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Thái Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Chơ Long, Gia Lai, nêu đề xuất.
"Bộ Công thương hiện nay đang xây dựng một cơ chế chuyển tiếp để áp dụng cho các dự án không kịp đưa vào vận hành, theo hướng là các chủ đầu tư sẽ thương thảo trục tiếp với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam", ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết.
Không được hưởng giá bán điện ưu đãi sẽ khiến các dự án điện gió phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của nhiều địa phương cũng khó đạt mục tiêu đề ra.
"17 dự án với tổng mức đầu tư trên 43.000 tỷ đồng, nếu hoàn thành cả 17 dự án thì nó sẽ đóng góp gần 30% ngân sách tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Nó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để vực dậy các ngành khác", ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, nhận định.
Để tháo gỡ những khó khăn này, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cần xem xét kéo dài thời hạn hoàn thành để cho các dự án này được công nhận và hòa vào lưới điện thì tôi cho rằng đây là một đề xuất hợp lý. Còn nếu như chúng ta không có cơ chế, thì các nguồn lực đã bỏ ra, không tạo ra được sản phẩm để đưa vào phục vụ cho đất nước, rõ ràng đấy là sự lãng phí chung của toàn xã hội", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhấn mạnh.
Theo tính toán, 146 dự án điện gió với tổng công suất gần 8.200 MW, việc tạo cơ chế, thu hút phát triển điện gió sẽ góp phần hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đến năm 2045 công suất năng lượng tái tạo sẽ đạt trên 40%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo