Thị trường

Gỡ khó cho công nghiệp, thương mại hậu COVID-19

Ngày 20/6, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị giao ban sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020. Qua đó, hội nghị đã thảo luận về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp, thương mại hậu COVID-19.

Doanh nghiệp xây dựng tìm cách vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 / ASEAN và ASEAN+3 sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV vượt Covid-19



Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác tham mưu, triển khai các giải pháp của ngành công thương, sự tuân thủ nghiêm túc công tác chỉ đạo phòng chống dịch và nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại đã nhanh chóng thích ứng, khôi phục theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và chỉ đạo dỡ bỏ cách ly, giãn cách xã hội của Chính phủ, hạn chế thấp nhất thiệt hại và phục vụ tốt đời sống nhân dân.

6 tháng đầu năm 2020, trong 3 chỉ tiêu kế hoạch của ngành công thương Thanh Hóa, có 1 chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, 2 chỉ tiêu xuất khẩu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66.648 tỷ đồng, tăng 7,3% cùng kỳ.

Theo đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu gặp khó, như: lọc hóa dầu, may mặc, giày da, bia, thủy điện, tinh bột sắn… Một số dự án tiếp tục chậm tiến độ do ảnh hưởng về nguồn vốn,… Xuất khẩu đạt 1.559 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là mặt hàng may mặc, giày da xuất đi Mỹ và các nước EU. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 51.152 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ...

Dự báo 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh sẽ được phục hồi do dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế. Một số mặt hàng sẽ tiêu thụ tốt hơn, nhất là các mặt hàng, như: sản phẩm lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến, phân bón, sữa, điện thương phẩm, dầu ăn… Tuy nhiên, để bù đắp sản lượng bị sụt giảm trong 6 tháng cuối năm, giữ mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đề xuất tỉnh, các ngành, các cấp cùng quan tâm, tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN triển khai và thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh gọn, kịp thời.

 

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu kiến nghị tỉnh quan tâm, đầu tư đến lĩnh vực logictics, nhằm giảm các chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Một số doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cao hơn trong vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ở các huyện miền núi; có cơ chế ưu đãi nguồn vốn và tạo cơ hội kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động thích ứng với điều kiện sản xuất và thị trường, nhằm hạn chế mức thiệt hại do dịch COVID-19.

Ngành công thương được đánh giá là ngành sản xuất chủ đạo, đóng góp chủ yếu vào chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn có những diễn biến khó lường, ngành công thương tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, bám sát tình hình sản xuất, linh hoạt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu cao nhất cho thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại năm 2020.

Ông Mai Xuân Liêm cũng yêu cầu, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình thị trường; năng động trong các giải pháp thích ứng, thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ với các hiệp hội ngành, các cấp chính quyền để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ; tăng cường hợp tác, chia sẻ trong hoạt động chuỗi cung ứng.

Cùng đó, Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành tạo mọi điều kiện để các nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm đang có lợi thế trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hoạt động ổn định; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; kịp thời cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm