ASEAN và ASEAN+3 sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV vượt Covid-19
DNVN - Đây là một trong những giải pháp được các bộ trưởng nhấn mạnh tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra ngày 04/6.
Doanh nghiệp bia kỳ vọng tăng trưởng kênh 'mua mang về' / Đón sóng dịch chuyển FDI: Doanh nghiệp Việt làm gì để hưởng lợi?
Trong cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN +3 đặc biệt trực tuyến về ứng phó dịch Covid-19 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 04/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 diễn ra sáng 04/6 đã đạt một số kết quả quan trọng, với việc thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Kế hoạch Hành động Hà Nội bao gồm các biện pháp cụ thể nhằm phục hồi nền kinh tế ASEAN như: duy trì các cam kết mở cửa thị trường để đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực; tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết; xây dựng các nền tảng để tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; và tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra chiều cùng ngày đã thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp báo chiều 04/6/2020.
Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch COVID-19.
Tuyên bố chung cũng khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực năng chặn sự lây lan của vi-rút; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu; hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.
Đảm bảo hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác
Chia sẻ với báo chí về những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam và ASEAN tại hai hội nghị trên, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, các bộ trưởng đều đã có những đánh giá và trao đổi rất cụ thể về những tác động và diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đối với hợp tác của ASEAN với các đối tác cũng như hợp tác nội khối, và đặc biệt là đánh giá cụ thể về những tác động cụ thể đối với kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thành viên cũng như đời sống nhân dân, và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
"Có thể nói rằng, tại hai hội nghị này, 1 chương trình hành động và 1 tuyên bố chung đều đề cập đến những tác động cũng như dự báo diễn biến phức tạp quan trọng trong thời gian tới, nhưng quan trọng là trong tuyên bố chung và chương trình hành động đều đã đề cập những vấn đề lớn trong đường lối chính sách để đảm bảo hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác để đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng khẳng định, diễn biến Covid-19 có thể còn nhiều phức tạp và theo nhiều dự báo, dịch bệnh này khả năng sẽ quay trở lại vào cuối năm nay. Chính vì vậy, các bộ trưởng kinh tế của ASEAN cũng như ASEAN + 3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả theo những chỉ đạo của mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chương trình phối hợp trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tính toán đến các biện pháp hồi phục kinh tế, đảm bảo quốc kế dân sinh của mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng như mỗi nước đối tác là nội dung quan trọng thứ 2 và được thảo luận rất kỹ trong hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 sáng 04/6/2020.
Vì vậy, dưới tác động mạnh mẽ của Covid-19, các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, các bộ trưởng đã thống nhất một số biện pháp quan trọng để đảm bảo dòng luân chuyển và dịch chuyển hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho đời sống người dân, an ninh lương thực, thực phẩm, các mặt hàng về thuốc men, sản phẩm y tế, dược phẩm y tế phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh phải được quan tâm và đảm bảo chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN và giữa các quốc gia.
Thứ hai, các nước đều thống nhất phải hạn chế những biện pháp hạn chế dòng luân chuyển hàng hóa cũng như lưu thông các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là những sản phẩm như đã nói ở trên.
Thứ ba, tất cả các quốc gia ASEAN và các nước đối tác đều khẳng định đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và khu vực sẽ phải đối mặt với yêu cầu về tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Các nước ASEAN đều thống nhất phải tập trung vào tăng cường hợp tác nội khối và tạo ra thực thể thống nhất trong thị trường ASEAN để tạo ra những khu vực có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư để tiếp tục tái cơ cấu các chuỗi cung ứng thông qua đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất cũng như tiếp tục phát triển thị trường theo hướng mở cửa và hạn chế biện pháp rào cản, kể cả thuế quan và phi thuế quan.
"Vì vậy, Chương trình Hành động Hà Nội cũng như Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 đều đã nêu lên nền tảng lớn để cho các nước triển khai thực hiện. Chính tinh thần đó đã được các bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo với các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng như của ASEAN + 3 để có chính sách linh hoạt, đảm bảo thực thi trên cơ sở phối hợp chặt chẽ theo tinh thần của Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố chung của ASEAN+3", Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Mặt khác, các nước ASEAN sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động của các bộ trưởng ASEAN + 3 để đảm bảo hiệu quả hơn trong thời gian tới về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV vượt Covid-19
Đặc biệt, theo chia sẻ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cả Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đều có đề cập đến giải pháp tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động.
Đối với các DNNVV của Việt Nam cũng như các nước ASEAN và các nước đối tác đã và đang phải đối mặt với hậu quả từ dịch bệnh Covid-19, các bộ trưởng đều đã thống nhất về nhu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng đơn giản hóa và tạo ra những môi trường cạnh tranh và thu hút đầu tư cũng như thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại và tiếp cận thị trường để cộng đồng DNNVV của tất cả các nước trong ASEAN và ASEAN + 3 đều có thể thụ hưởng và phát triển.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 trực tuyến đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 chiều 04/6/2020.
Thứ hai, các nước ASEAN và đối tác thống nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung khổ hợp tác, đặc biệt về thương mại và đầu tư để từ đó định hướng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DNNVV cũng như các đối tác của khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tục thuận lợi hóa trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Thứ ba, các nước tham gia vào Chương trình Hành động Hà Nội cũng như Tuyên bố chung đều thống nhất sẽ tập trung vào cải thiện và thuận lợi hóa hơn trước hết trong môi trường hải quan, thủ tục của hải quan để tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa và thương mại cũng như dịch vụ liên quan đến đầu tư. Và đặc biệt là các nước đều thống nhất phải triển khai mạnh mẽ ngay trong năm 2020 những biện pháp quyết liệt hơn với sự hỗ trợ chung của khu vực Nhà nước cho khu vực DN để phát triển thương mại điện tử, hạ tầng thương mại, giao thương điện tử qua biên giới, và những ứng dụng của công nghệ thông tin vào thương mại điện tử sẽ được các nước tập trung cùng hỗ trợ phát triển, trong đó không chỉ là các thủ tục hành chính liên quan đến Chính phủ điện tử mà cả các hoạt động để xúc tiến thương mại, giao thương thông qua môi trường thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới mà các nước đang triển khai thực hiện.
Cuối cùng, các bộ trưởng tham dự hội nghị đều khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện để tham mưu và báo cáo với Chính phủ mỗi nước có những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy cho cộng đồng DNNVV thông qua các khung khổ và các chính sách phù hợp với mỗi nước cũng như phù hợp với nguyên tắc của WTO và trong khung khổ hội nhập mà các nước tham gia về những nguồn lực hỗ trợ cả về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để giúp DN có thể tiếp tục mở rộng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là DNNVV tiếp tục duy trì nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ của các nước ASEAN cũng như ASEAN+3 có quyền và tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cụ thể, đặc biệt thông qua kích cầu, đầu tư công và hạ tầng về kinh tế để tạo ra thị trường ổn định cho DN của mỗi nước cũng như DN đối tác để khai thác các cơ hội từ những thị trường này...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo