Doanh nghiệp vẫn 'đỏ mắt' tìm vốn hậu Covid-19
Starbucks có thể mất 3 tỷ USD doanh thu trong quý 3 tài khóa 2020 / Hàng chục doanh nghiệp đăng ký nhập lợn sống về Việt Nam
Tại toạ đàm: “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi”, được tổ chức ngày 12/6, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc công ty thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng chưa có sự nhanh và khớp giữa chỉ đạo giảm lãi suất cho vay và thực hiện ở các ngân hàng thương mại (NHTM), khiến chính sách ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn, chưa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp (DN).
Dòng tiền 2 tỷ mỗi tháng, vẫn không được vay vốn
Chia sẻ từ thực tế DN, ông Bùi Ngọc Tường, Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành cho biết, doanh nghiệp hiện đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tức thuộc nhóm DN được ưu tiên.
Hơn nữa, DN chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng, nhưng hiện nay muốn vay thêm vốn để khôi phục và mở rộng sản xuât cũng không được.
“Mỗi tháng công ty có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại ngân hàng Agribank. Nhưng 10 năm nay, chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại ngân hàng này, trong khi nhu cầu vay vốn là rất lớn. Do để vay vốn, ngân hàng đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp, ngân hàng cũng không chấp nhận tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai khiến cánh cửa vay vốn của chúng tôi bị thu hẹp lại”, ông Tương chia sẻ.
Tương tự, ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bigsun Việt Nam thừa nhận, DNNVV thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu tài sản bảo đảm và 90% gặp vấn đề về vốn, nên những DN này càng khó tiếp cận nguồn vốn.
Do đó, ông Dân đặt câu hỏi, liệu ngân hàng có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DN khó khăn về vốn?
Ở góc độ khác, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội lại cho rằng, DN hiện nay rất cần tiền, nhưng không phải chỉ cho bằng cách vay vốn, thay vào đó, cần có những chính sách nhanh, nhưng phải khớp để tạo ra lòng tin cho DN, mà có lòng tin là có tất cả.
Chia sẻ thực trạng từ DN mình, ông Dũng cho hay: Các ngân hàng nói rằng đã có điều chỉnh giảm lãi suất từ 2% cho các DN, nhưng trên thực tế bản thân tôi mất gần 2 tuần để dẫn dụ các văn bản, ngân hàng mới giảm lãi suất xuống 0,5%”.
Thực trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều DN. Chẳng hạn như Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành cũng cho biết, hiện DN này đang vay với lãi suất 11,4%.
Trong khi đó, đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ cũng chỉ vay được lãi suất kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng, điều này mất đi nguồn lực cho DN. “Tại sao các ngân hàng không cho chúng tôi cho vay lên 12 tháng trở lên”, đại diện một DN đặt câu hỏi?.
Chưa có tiếng nói chung
Đại diện cho các DN vừa và nhỏ Hà Nội, TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng DN để tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn về nguồn vốn đã được tổ chức. Tuy nhiên đến nay các DN và ngân hàng vẫn “chưa có tiếng nói chung”.
Bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, DN giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. Muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn.
“Khi một DN hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra DN cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Hơn nữa, chính các ngân hàng cũng thừa nhận, khó vay vốn còn đến từ nguyên nhân cả 2 phía. Theo ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng DN (SHB), về phía DN, các thông tin về thị trường, công nghệ, quản trị có hạn chế nhất định. Còn về phía ngân hàng, thủ tục đôi khi còn rườm rà.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định, DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là việc mới, hay do dịch bệnh Covid-19, mà là vấn đề đã tồn tại lâu nay.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề của DN là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, cái nào quan trọng hơn?
Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%, trên 100 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua tín phiếu, điều đó chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay chứ, nhưng quan trọng là họ phải thu lại được tiền.
“Ngân hàng có thể hạ lãi suất 1-2% nhưng do độ co giãn về cầu của DN tại Việt Nam hiện nay khá "cứng", nên dù giảm lãi suất thì số tiền cho vay vẫn không tăng”, ông Tú Anh cho hay.
Đưa ra giải pháp giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn cho DN, đặc biệt là DNNVV, ông Tú Anh cho rằng, DN cần chuyên nghiệp hóa mới đi được đường dài. Đặc biệt DN cần có quan hệ chuyên nghiệp với ngân hàng, đối tác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ngân hàng đang thừa vốn, doanh nghiệp vẫn khó vay do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung (Ảnh minh hoạ: Internet)