Thị trường

Gỡ rào cản cho xuất khẩu

Với mục tiêu đổi mới toàn diện nền kinh tế, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập nhằm khai thác tốt các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu (XK).

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / Xuất khẩu lâm sản duy trì đà tăng trưởng mạnh

Xếp hạng 27 thế giới về xuất khẩu

Thời gian qua, thị trường XK hàng hóa của nước ta đã mở rộng cả về quy mô và cơ cấu mặt hàng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch XK. Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất, nhập khẩu thế giới.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay: “Chúng ta đã và đang khai thác tốt và khẳng định vị trí của Việt Nam trong một số thị trường XK lớn, đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa cao, thể hiện những kết quả tích cực trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK”.
Kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Hải Linh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, nếu năm 2007, Việt Nam đứng thứ 50 thì đến 2018, đã vươn lên vị trí thứ 27 về XK. Về quy mô thị trường XK, năm 2007, nước ta chỉ có 14 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó duy nhất thị trường Mỹ đạt trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, đã có 31 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường XK cũng có sự chuyển biến rất tích cực, nếu như năm 2007, XK tập trung phần lớn ở khu vực châu Á, chiếm tỷ trọng khoảng 65,8%, châu Âu 15,2% và châu Mỹ 13,4% thì đến năm 2018, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng kim ngạch XK sang thị trường châu Á giảm còn khoảng 53,6%, châu Âu và châu Mỹ tăng lên lần lượt là 18,4% và 23,4%.
Đặc biệt, trong cơ cấu thị trường XK của Việt Nam, 10 thị trường lớn nhất chiếm tỷ trọng khoảng 68% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, 4 thị trường lớn (kim ngạch XK đạt trên 10 tỷ USD), gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù diện mạo XK đã có nhiều chuyển biến tích cực, song theo ông Trần Thanh Hải, trong khi các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có cơ cấu thị trường khá đa dạng thì một số mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản phụ thuộc chủ yếu vào khu vực châu Á (chiếm trên 50%). Điều này dẫn đến sự thiệt thòi khi thị trường khu vực này thay đổi, từ đó gây ảnh hưởng đến XK, tiêu thụ nhóm hàng hóa nói riêng và tình hình XK chung của cả nước.
Thời điểm này, Bộ Công Thương ưu tiên đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Cùng với đó, rà soát quá trình thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới cho phù hợp với tình hình thực tế và những cam kết quốc tế mới của Việt Nam.
Mặt khác, Bộ yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Để mở rộng thị trường XK hàng hóa, Bộ Công Thương tăng cường cơ chế trao đổi thông tin các cấp, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nắm bắt thông tin thị trường, các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam để kịp thời xử lý. Giải pháp này được thực hiện nhằm cảnh báo sớm cho các DN XK chủ động phòng tránh, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi cho các DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, với các mặt hàng XK chủ lực, Bộ đang đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.
Đồng thời, hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình Thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam.
Theo kinhtedothi.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm