Hà Giang: Xây dựng nông thôn mới ở Vị Xuyên thành công nhờ sức dân
Tiền Giang: Đích huyện nông thôn mới vào năm 2020 / Quảng Ngãi: Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới
Thống kê của huyện Vị Xuyên cho thấy, toàn huyện có 4/24 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM; có hơn 300km đường các loại được bê tông hóa, hơn 200km kênh mương được tu sửa, xây mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm…
Vận động sức dân
Là địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2014, diện mạo xã Việt Lâm đã đổi thay rõ rệt, từ đường làng, ngõ xóm sạch đẹp đến những ngôi nhà khang trang, các tuyến đường bê tông phẳng lỳ.
Chị Hoàng Thị Tuyết (thôn Hát) phấn khởi cho biết, người dân nơi đây rất vui mừng khi chứng kiến quê hương mình ngày càng đổi mới. Giờ đây, đường làng ngõ xóm có đường bê tông giúp cho việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn rất nhiều. Không những thế, các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng cũng được sửa chữa, xây mới. Trẻ con được học trong những ngôi trường mới, khang trang, đầy đủ trang thiết bị học tập.
“Quả thực, chương trình xây dựng NTM thực sự giúp cho cuộc sống của người dân chúng tôi từng ngày thay da đổi thịt”, chị Tuyết phấn khởi nói.
Chia sẻ về quá trình triển khai xây dựng NTM của địa phương, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Việt Lâm cho biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Việt Lâm gặp muôn vàn khó khăn với mặt bằng dân trí, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, trên 19%...
Xác định được điều đó, Việt Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM với sự tham gia của của các ngành và các tổ chức đoàn thể, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xóm, thôn bản. Cùng với đó, xã thực hiện theo phương châm “việc dễ làm trước, việc khó thực hiện sau”; đồng thời cũng tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân về chủ trương, ý nghĩa xây dựng NTM đến từng thôn bản và các hộ dân. Chính vì thế, Việt Lâm đã huy động được trên 80 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp gần 15 tỷ đồng. Sự nỗ lực, cố gắng đã giúp Việt Lâm đạt chuẩn NTM vào năm 2014, trước kế hoạch 1 năm.
“Đến nay, bức tranh NTM của Việt Lâm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Từ mức thu nhập bình quân đầu người 19,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, nay đạt 25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,5%” - ông Thịnh cho biết thêm.
Nỗ lực trên những chặng đường mới
Không chỉ ở Việt Lâm, tại xã Đạo Đức, công cuộc xây dựng NTM cũng trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ đến đời sống người dân, phát huy được sức mạnh từ nội lực. Sau gần 5 năm triển khai, xã đã vận động được hàng nghìn hộ dân hiến trên 9.500 m2 đất; hàng chục nghìn ngày công lao động và tiền đóng góp của bà con, tổng trị giá ước tính gần 5 tỷ đồng. Từ xuất phát điểm chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM, đến nay xã Đạo Đức đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đạt danh hiệu xã NTM vào năm 2017. Chính nhờ NTM, giờ đây, đời sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt.
Xây dựng NTM ở Vị Xuyên mới chỉ là bước đầu. Còn rất nhiều việc để huyện cần phải làm, nỗ lực trên con đường phía trước. Theo ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, với mục tiêu đến hết năm 2020 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, huyện đang tích cực chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, bảo đảm thực chất, bền vững, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Đối với các xã đăng ký hoàn thành NTM trong những năm tới, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết và tranh thủ mọi nguồn lực, lựa chọn các tiêu chí phù hợp để thực hiện phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Còn với các địa phương đã đạt chuẩn cần phải triển nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phấn đấu trở thành những vùng quê đáng sống.
Có thể khẳng định, xây dựng NTM ở huyện vùng cao không hề đơn giản như các địa phương ở đồng bằng mà cần sự cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần. Ông Lương Văn Đoàn cho rằng, ở Vị Xuyên, công cuộc xây dựng NTM đang dần trở thành “công việc” quen thuộc của mỗi người dân. Và ở nơi đây, sức mạnh của tập thể, sự đồng lòng, chung sức của tất cả đồng bào các dân tộc đã đem lại thành công lớn trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện có 4/24 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM; có hơn 300 km đường các loại được bê tông hóa, hơn 200km kênh mương được tu sửa, xây mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Mô hình trồng rau sạch giúp người dân thoát nghèo