Thị trường

Hà Tĩnh: Khi những cánh đồng lên ngôi

DNVN - Vụ xuân năm 2021 là năm Hà Tĩnh dành thắng lợi rực rỡ, năng suất, chất lượng lúa đạt kỷ lục, sản phẩm nông nghiệp đã trở thành kết nối chuỗi hàng hóa, kể cả các sản phẩm OCOP cũng đua nhau phát triển, mỗi xã mỗi sản phẩm. Có thể khẳng định, đây là năm nông nghiệp Hà Tĩnh được mùa nhất, bởi thời vụ tập trung nhất, thời tiết thuận lợi nhất.

Nông nghiệp xuất siêu 2,87 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm / Ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững

Giống lúa khẳng định giá trị thành - bại

Xưa, ông cha ta đúc rút trong sản xuất nông nghiệp với câu thành ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Thế nhưng ngày nay, khi nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển thì việc phối kết hợp giữa quy luật tự nhiên với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhuần nhuyễn, cộng với thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi đã thay đổi thứ tự ưu tiên trong câu thành ngữ trên, giống lại được đặt lên hàng đầu. Vì thế theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nhờ tỷ lệ cơ cấu bộ giống lúa chất lượng cao đạt trên 40% tổng diện tích gieo cấy (59.428 ha), sản lượng lúa cao nhất từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: Bên cạnh những giống lúa đại trà, đã ổn định qua nhiều năm ở các địa phương như: HT1, N98, KD18; Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, BQ, VTNA6, P6, thì vụ xuân 2021 còn khẳng định sự vượt trội của một số giống như LP5, VNR 20, QP5, HD11, HD12, ST24, Long Hương 8117... Vấn đề này không chỉ góp phần đưa năng suất bình quân của toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay (58 tạ/ha), mà việc lựa chọn bộ giống phù hợp với tiêu dùng qua các thị trường còn giúp nâng cao giá trị hàng hóa của lúa gạo Hà Tĩnh vươn ra thị trường cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

Được biết, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh đã gặt hái cơ bản, câu ca hội phường khi gặt hái xong tiễn bạn: “Rồi mùa thóc rạ rơm khô…” nông dân Hà Tĩnh phấn khởi khi được mùa là thế. Đến huyện Đức Thọ, huyện lúa đã hoàn tất 100%, năng suất thực thu tại vựa lúa chất lượng nhất của tỉnh được xác định đạt 65,1 tạ/ha, cao hơn bình quân toàn tỉnh 7,1 tạ/ha và cao hơn năng suất vụ xuân của chính địa phương này vào năm 2020 là 4 tạ/ha. Đây cũng là vùng sản xuất tập trung nhiều nhất các loại giống mới, chất lượng nhất của tỉnh như: ST24, ST25, VNR20…Với các bộ giống nói trên, vụ mùa tiếp theo, Hà Tĩnh phải được mở rộng diện tích để nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đông cho biết: "Năm nay, huyện cơ cấu giảm dần diện tích giống lúa đặc trưng P6 để tập trung vào bộ giống chất lượng cao như ST24, ST25 và tiếp tục khảo nghiệm giống TH8… qua đánh giá, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng trên địa bàn tất cả đều đạt 100% diện tích".

Bà con nông dân xã Hồng Lộc thu hoạch lúa với năng suất bình quân trên 3,3 tạ/sào

Bà con nông dân xã Hồng Lộc thu hoạch lúa với năng suất bình quân trên 3,3 tạ/sào.

Chúng tôi có cuộc tiếp cận với một số địa phương trong tỉnh, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn đến từng vùng chuyên lúa các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh… đến cả những vùng lúa từng gặp nhiều khó khăn như Lộc Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân… nay họ đã thay da đổi thịt bằng những giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao từ 65 - 70 tạ/ha, nông dân phấn khởi và tự hào về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Đầu tư đồng bộ hóa trên các đồng ruộng, trên từng sản phẩm

Phong trào mở rộng quy hoạch các cánh đồng lớn, phá bờ vùng bờ thửa để hình thành nên những cánh đồng lớn 1 giống, “cò bay thẳng cánh” nhằm tích tụ ruộng đất… đã tạo quy mô sản xuất tập trung hơn, tạo điều kiện để nhiều loại giống lúa mới du nhập vào đồng ruộng, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng theo chuỗi giá trị hàng hóa tăng từ 5 - 10% so với với sản xuất truyền thống.

Thành công trên có được là bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo thời vụ quyết liệt nhất, đồng nhất nhất của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh từ trước tới nay. Bởi thế nên những diện tích "chạy" trước hay sau lịch thời vụ đều chỉ là hiện tượng cá biệt, lịch thời vụ từ xuống giống, sinh trưởng đến thu hoạch của lúa được người nông dân chấp hành"răm rắp" theo quy mô toàn tỉnh.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Toàn bộ 9.500 ha lúa xuân của Cẩm Xuyên thực hiện chung một thời vụ, một quy trình sản xuất. Nhờ vậy, lúa trổ bông tập trung từ 15 - 25/4, đúng vào thời điểm thời tiết thuận lợi nhất. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hoạch tập trung, nhanh gọn và quản lý, kiểm soát tốt các đối tượng dịch bệnh, hạn chế mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình lúa xuân ở Cẩm Xuyên vào tháng 5/2021

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình lúa xuân ở Cẩm Xuyên vào tháng 5/2021.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho hay: “Phải khẳng định rằng, Hà Tĩnh năm nay được mùa toàn diện trên mọi lĩnh vực, ngoài bội thu về lúa, các loại sản phẩm khác như rau màu, củ, quả, đến nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… cũng đều được mùa to, mặc dù đang trong thời dịch bệnh Covid-19 nhưng nông dân rất phấn khởi”. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp. Để đồng bộ hóa trên các sản phẩm nông nghiệp, Hà Tĩnh đã áp dụng chủ trương đưa vườn ra đồng, biến những cánh đồng lúa trở thành các khu vườn mẫu đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị trong chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị trên mỗi diện tích sau khi chuyển đổi theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước nhà.

Đồng thời hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phải hạn chế dần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ở mức thấp và chủ động kiểm soát tốt các loại sâu bệnh. Đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, mầm bệnh này xuất hiện vào thời điểm nhiễm bệnh cao nhất của vụ xuân 2021 nhưng chỉ ở vào khoảng hơn 200 ha, bằng 1% so với năm có diện tích nhiễm bệnh cao nhất (năm 2017). Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng gần như "bỏ chạy" trên các diện tích lúa xuân 2021. Đây có thể khẳng định, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh đã bắt đầu định hướng rõ cho các vụ mùa tiếp theo.

Đánh giá kết quả vụ xuân đại thắng năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: Hà Tĩnh có được vụ mùa bội thu như năm nay là nhờ vào việc mạnh dạn đưa nhiều giống mới vào sản xuất, bố trí thời vụ tập trung nhất và thời tiết cũng thuận lợi nhất nên năng suất, chất lượng đạt cao nhất so với từ trước tới nay.

Đây là động lực để bà con nông dân toàn tỉnh phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới - vụ hè thu 2021 thành công hơn.

Nguyễn Hoa Nữ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm