DNVN - Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chuyển sang giai đoạn mới là hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam đòi hỏi trách nhiệm từ ba bên, đó là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức vào sáng 02/8 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành Công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
"Hiện khu vực DN đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, hằng năm đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 12%, tương đương trên 60% GDP nền kinh tế. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động), bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động cho biết: Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD)...
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động cho rằng, sức ép đối với các DN thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ sẽ lớn dần do cạnh tranh với chuỗi phân phối từ các nước ASEAN, sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia cũng như việc mở cửa và cắt giảm các dòng thuế theo lộ trình của các cam kết nêu trên; Tình hình biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến nhanh, gây ảnh hưởng tới thị trường thế giới và trong nước. Trong khi phần lớn DN Việt Nam (97%) là DN và vừa với quy mô vốn bình quân nhỏ, năng suất lao động Việt Nam còn thấp... Trong nước, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế... vẫn còn xảy ra.
Các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, nhưng hội chợ, triển lãm, tổ chức gian hàng, điểm bán hàng Việt, đã được các ngành, chính quyền các cấp quan tâm song chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp tham gia cuộc vận động. Chính sách hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng cao chưa được quan tâm, chưa tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp.
Đánh giá cao kết quả cuộc vận động, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, theo ông Trần Quốc Vượng, thời gian tới, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa. Các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.
Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là hội nghị quan trọng nhìn lại 10 năm triển khai và thực hiện cuộc vận động, từ đó rút ra kinh nghiệm, bài học, đưa ra mục tiêu, phương hướng để cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân.
"Cuộc vận động là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng của Việt Nam, sản xuất ra nhiều hàng hóa có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Bối cảnh kinh tế thế giới tác động lớn đến Việt Nam trong khi Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đối mặt với nhiều bất cập. Kết quả cuộc vận động cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam", Phó Thủ tướng đánh giá
Theo Phó Thủ tướng, BCĐ Cuộc vận động từ TW đến địa phương cùng các bộ ngành, hiệp hội, và DN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong suốt 10 năm qua. Do đó đã mang lại nhiều kết quả rõ nét. Từ đó thúc đẩy Nhà nước hoàn thiện thể chế, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng để khuyến khích sự phát triển của DN, thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng và phong phú trên toàn quốc, đồng thời khuyến khích người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Ngoài ra, Cuộc vận động đã tạo niềm tin mua sắm cho người dân; đề cao quyền, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giám sát, kiểm tra để nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh hàng nhái, giúp DN hiểu tầm quan trọng sống còn của mình trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá cả hợp lý, có thương hiệu.
Hiện đã có nhiều sản phẩm chinh phục được người tiêu dùng. Hàng Việt Nam đã cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài, qua đó người Việt Nam tự nguyện mua hàng Việt Nam. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam như nông sản, giày da, may mặc và ô tô. Nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường nước ngoài. nhiều sản phẩm đứng top đầu thế giới.
Cuộc vận động không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà là nhiệm vụ lâu dài và yêu cầu ngày càng phải mạnh mẽ để đáp ứng được mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 do Ban chỉ đạo Cuộc vận động đề ra.
"Cuộc vận động yêu cầu trách nhiệm của ba bên, đó là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, Nhà nước phải tạo môi trường pháp lý, hạ tầng và nhân lực để đảm bảo cho DN và người dân có môi trường thuận lợi. Trong khi đó, DN và người sản xuất phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với người tiêu dùng. Còn trách nhiệm của người tiêu dùng là vừa tham gia sản xuất và tiêu dùng sản phẩm trong nước", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động đã trao bằng khen cho 82 tập thể và 147 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân vinh dự có tên trong danh sách này.
Minh Thu