Thị trường

Hòa Bình: Thực hiện OCOP gắn với mục tiêu cốt lõi

Trên cơ sở nhìn nhận những cơ hội mang lại từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Cao Phong nói riêng và toàn toàn tỉnh Hòa Bình nói chung đã đi vào triển khai thực hiện chương trình với 2 mục tiêu cốt lõi là xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Leonardo DiCaprio bắt tay với Tim Cook / Bà Rịa-Vũng Tàu: Thoát nghèo bền vững để vươn lên làm giàu từ nghề trồng nấm

Đến nay, Hòa Bình đã có 8 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong đó, huyện Cao Phong có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và nhiều sản phẩm tiềm năng thuộc 4 nhóm sản phẩm là thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm và du lịch tâm linh.

Triển khai chương trình

Thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo các xã, HTX trên địa bàn huyện triển khai và lựa chọn đăng ký các sản phẩm đã có, đăng ký ý tưởng các sản phẩm mới theo danh mục của chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, huyện cũng kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, lồng ghép nhiệm vụ thực hiện mục tiêu mỗi xã một sản phẩm cùng với xây dựng nông thôn mới; thành lập Tổ chuyên trách về lĩnh vực mỗi xã một sản phẩm, trực thuộc văn phòng điều phối cấp huyện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức 5 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách chương trình OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Chỉ đạo Trung tâm VH-TT&TT huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi về OCOP, lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về chương trình OCOP.

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của người dân, huyện Cao Phong đã xây dựng được 17 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, bao gồm: HTX Hà Phong, xã Bắc Phong với 9 sản phẩm chế biến từ cam gồm: rượu men cam, rượu cam, mứt vỏ cam, mứt ruột cam, tinh dầu cam, xà phòng cam, nước cam lên men, nước cam ép, trà chanh đào mật ong; HTX 3T nông sản Cao Phong có sản phẩm cam quà tặng cao cấp; xã Thu Phong có 2 sản phẩm từ mây, tre đan là mâm mây và mâm đựng xôi; xã Thung Nai với sản phẩm bưởi da xanh; xã Yên Lập với sản phẩm hạt dổi; xã Tân Phong với dịch vụ văn hóa tâm linh; xã Nam Phong với sản phẩm mía mô; xã Bình Thanh với sản phẩm cam.

Trong đó, sản phẩm cam quả Cao Phong còn được cấp chỉ dẫn địa lý và trở thành 1 trong 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của huyện.

Cam Cao Phong là sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương

Cam Cao Phong là sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương

OCOP gắn với mục tiêu cốt lõi

Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, huyện Cao Phong đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo đó, huyện tiếp tục hỗ trợ nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác bao bì, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh.

Dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng huyện mong muốn UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ địa phương và chủ thể thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời, các sở, ban, ngành liên quan cũng sẽ tiếp tục phối hợp với điạ phương trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về chương trình OCOP, tư vấn, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình ở địa phương đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của chương trình để đạt được những thành công lớn hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm