Thị trường

HTX Mường Động - Hòa Bình: Nhân tố điển hình trong khối kinh tế tập thể

Từ năm 2017 đến nay, với sự phát triển và hình thành các HTX, tổ hợp tác (THT) và trang trại đã mang lại sự thay đổi lớn trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cam, bưởi tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Vĩnh Long: Sản xuất sạch ở HTX Hồi Tường / HTX ở Thái Nguyên góp phần xây dựng nông thôn mới

Tiêu biểu phải kể đến HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (HTX Mường Động) sản xuất gắn với chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, tạo được hiệu quả cho đầu ra sản phẩm nông sản, giúp nông dân thoát nghèo.

Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bôi, hiện nay toàn huyện có khoảng 170 ha diện tích trồng cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích bưởi chiếm 770 ha (giá trị sản xuất thu được từ bưởi đạt 157,3 tỷ đồng). Toàn huyện có 23/27 xã, thị trấn trồng cam với tổng diện tích hơn 576 ha, sản lượng cả năm ước đạt hơn 9.100 tấn (giá trị sản xuất từ cam đạt 182,1 tỷ đồng).

Giá trị sản phẩm tăng 30%

HTX Mường động được thành lập từ năm 2016. Niên vụ 2018, HTX đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 200 tấn cam, bưởi các loại, năng suất đạt gần 40 tấn/ha. Doanh thu từ sản xuất cây ăn quả có múi của HTX lên tới hàng chục tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ kênh tiêu thụ chuỗi liên kết trên 4,5 tỷ đồng. HTX đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, tham gia 6 hội chợ xúc tiến thương mại.

Anh Nguyễn Trung Huân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Trồng cam, quýt và một số loại quả có múi khác được xác định là ngành nghề mũi nhọn, trọng tâm của HTX. Vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi tăng mạnh, tạo ra thách thức lớn về thị trường tiêu thụ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất là những khó khăn HTX vấp phải. Chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị là cơ hội giúp HTX kịp thời nắm bắt.

Tham gia chuỗi giá trị, các hộ thành viên được tập huấn về kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ dịch hại, đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, khu vực sơ chế tại các nhà vườn, tem mác, bao bì sản phẩm và xúc tiến thương mại.

HTX thành lập Ban quản lý chất lượng sản phẩm để hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên, mặt khác để giám sát, kiểm soát công tác an toàn thực phẩm với mọi vườn cây của từng thành viên, đảm bảo 100% sản phẩm trước khi xuất vườn đều có hồ sơ kiểm tra, xác nhận của Ban quản lý chất lượng sản phẩm.

Đối với 26 hộ thành viên của HTX, kể từ khi tham gia chuỗi giá trị, họ đã thực sự yên tâm sản xuất bởi sản phẩm làm ra tạo dựng được uy tín, niềm tin của khách hàng về chất lượng, giá trị sản phẩm tăng lên 30% so với sản xuất thông thường. Hiện nay, 85/85 ha cam, bưởi ở thời kỳ khai thác kinh doanh của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm VietGAP, trong đó có 3,2 ha cam, bưởi được chứng nhận hữu cơ organic.

Thành viên ai cũng vui mừng vì chất lượng, sản lượng, giá thành của sản phẩm đều được nâng cao từ khi tham gia HTX

Thành viên ai cũng vui mừng vì chất lượng, sản lượng, giá thành của sản phẩm đều được nâng cao từ khi tham gia HTX

Mô hình sản xuất của ông Nguyễn Văn Thắng và ông Nguyễn Xuân Thanh là 2 trong số 26 thành viên điển hình cho hiệu quả đó. Vườn của ông Thắng và ông Thanh có quy mô gần 5 ha, trồng các loại cây có múi như bưởi Tân Lạc, cam đường canh, cam lòng vàng, cam V2, Cam C36…

Từ khi tham gia vào mô hình HTX kiểu mới, việc canh tác, tiêu thụ nông sản đều được hỗ trợ từ HTX. Trước đây, sản lượng chỉ đạt 40-50 tấn quả/ha, sau khi tham gia HTX kiểu mới, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản lượng nâng lên 70 tấn/ha.

Thương hiệu cam, bưởi Mường Động

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có 6 HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia cung ứng, sản xuất và tiêu thụ các loại cây ăn quả có múi. Trong đó có 2 HTX có sản phẩm cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích đạt gần 170 ha; có 1 trang trại với diện tích 3,8 ha cam, bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

 

Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành nhiều vùng hàng hóa theo hướng tập trung với quy mô lớn, đồng thời khẳng định được giá trị kinh tế cao với các cây trồng khác; đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người dân trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm cam, bưởi, mang lại giá trị sản xuất cao hơn.

Ngày 12/11, UBND huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tổ chức "Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Mường Động huyện Kim Bôi năm 2019" do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Qua đó, khẳng định danh tiếng, giá trị đặc thù của sản phẩm địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, ông Bùi Văn Dùm nhấn mạnh, thời gian qua bên cạnh việc chú trọng việc hỗ trợ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Kim Bôi đã tập trung và nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thông qua việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Việc nhận được giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Huyện đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các HTX, doanh nghiệp trong việc phát triển, liên kết, tạo thương hiệu cho sản phẩm của địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm