Gia Lai cho phép 99 dự án điện gió vào khảo sát đầu tư
Ninh Thuận xin bổ sung dự án điện gió gần 1.700 tỷ vào quy hoạch / Tháo gỡ những rào cản chính sách để phát triển điện gió Việt Nam
UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến nay, tỉnh đã cho phép 99 dự án điện gió triển khai khảo sát để đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió với tổng công suất trên 13.000 MW.
Trong đó, đã có 25 dự án được Trung ương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch; 14 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; 11 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để xin chủ trương đầu tư; số còn lại, nhà đầu tư đang khảo sát, lập và trình hồ sơ cho các ngành chức năng để được bổ sung quy hoạch theo đúng quy định.
Gia Lai là điểm đến của nhiều nhà đầu tư điện gió. (Ảnh minh hoạ)
Dự án điện gió đầu tiên được triển khai tại Gia Lai là Dự án Trang trại Phong điện HBRE, tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), đã khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 11/2019, dự kiến tháng 12/2020, bắt đầu phát điện và hòa lưới.
Bên cạnh đó, cũng có một số dự án điện gió lớn đang chuẩn bị triển khai, như: Nhà máy Điện gió Yang Trung có công suất thiết kế 145 MW và Nhà máy Điện gió Chơ Long công suất thiết kế 155 MW, cùng ở huyện Kông Chro, cùng có vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, sẽ được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến đến tháng 10/2021 đưa vào vận hành thương mại.
Hay tại huyện Chư Pưh, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án nhà máy điện gió, gồm: Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 (xã Ia Le) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 4.021 tỷ đồng, công suất 100 MW, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 11/2021; Dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hòa 2 có tổng mức đầu tư 1.462 tỷ đồng, công suất 50 MW, dự kiến vận hành vào tháng 10/2021. Cả 2 dự án trên đều được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 trạm biến áp 500 KV, 14 trạm biến áp 220 KV, 9 suất tuyến 500 kV, 12 suất tuyến 220 KV, 17 suất tuyến 110 KV… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 4 suất tuyến 500 KV truyền tải điện vào miền Nam.
Do vậy, Gia Lai là tỉnh có khả năng giải phóng công suất tốt nhất hiện nay trên cả nước cho các dự án điện năng lượng. Đó cũng là nguyên nhân Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt thêm 14 dự án điện gió ở Gia Lai bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cả nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai vừa tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 doanh nghiệp có dự án đầu tư đã được cấp trong tháng 7-8/2020. Các dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt này tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất bao bì, giấy cuộn; mỏ đất san lấp; chăn nuôi heo; trồng rừng kết hợp trồng cây nông nghiệp; khai thác mỏ cát... Đặc biệt, trong số này có 13 dự án thuộc lĩnh vực điện gió, sẽ được triển khai tại các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Kông Chro, Ia Grai, Đak Đoa và thị xã An Khê. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo