Không quá lo ngại về thách thức gia tăng nhập siêu sau RCEP
DNVN - Một trong những thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được giới chuyên gia quan tâm là gia tăng nhập siêu, theo đó tác động không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quá quan ngại về vấn đề này.
Sản xuất và xuất khẩu cà phê vẫn gặp khó / Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu châu Á
Ngày 15/11/2020, Hiệp định RCEP đã chính thức được ký kết với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác của khối này. Sau khi được thực thi, RCEP sẽ tạo ra một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng cường xuất khẩu (XK) và mở rộng thị trường. DN Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, góp phần tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bên cạnh cơ hội lớn là những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng DN, trong đó nổi lên là mối quan ngại về gia tăng nhập siêu sau khi RCEP được thực thi.
Một trong những thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được giới chuyên gia quan tâm là gia tăng nhập siêu.
Tại Hội thảo công bố báo cáo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 20/01/2021, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhận định, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn.
"Nếu DN từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu", ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, trong một kịch bản khác, DN ở các nước RCEP dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn. Thực tế nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, hàm ý của gia tăng nhập siêu từ khu vực RCEP đối với mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam còn đáng lưu tâm hơn. Một mặt, gia tăng nhập siêu có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây. Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP có thể được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành xuất khẩu ở cả cấp chính sách và cấp DN.
Giải thích nguyên nhân vì sao lo ngại nhập siêu gia tăng sau RCEP, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, có hai lý do để quan ngại. Một là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Hai là tận dụng quy tắc xuất xứ nhập hàng từ các nước RCEP để sản xuất hàng xuất khẩu sang các nước RCEP khác.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng nên giảm quan ngại về vấn đề gia tăng nhập siêu.
"Ở góc độ thứ nhất về thuế quan, chúng tôi đã làm một rà soát nhỏ sau khi văn kiện của RCEP được thông qua. Đó là thuế quan mà Việt Nam cam kết trong RCEP trong giai đoạn đầu kém hơn so với mức thuế quan mà Việt Nam cam kết cắt giảm trong tất cả các hiệp định thương mại tự do đã có với các nước. Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế quan ngay với 63,5% dòng thuế sau khi RCEP có hiệu lực. Trong khi với các hiệp định Việt Nam đã có hiện nay, chúng ta đã cắt giảm 80 - 90% thuế quan, thậm chí với ASEAN chúng ta đã cắt giảm tới 98,7%. Do đó, không có lợi thuế về thuế quan trong RCEP nên việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam để tiêu dùng dự báo là sẽ không tăng lên sau RCEP. Nếu nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu có khả năng chúng ta mong chờ điều đó thì nhập siêu từ một số nước có thể tăng lên nhưng xuất khẩu cũng tăng lên. Đây có thể lý do tại sao Bộ Công Thương cho rằng nhập khẩu nhập siêu tổng thể của Việt Nam sau RCEP không quá lo ngại", bà Trang nêu.
Tại cuộc họp báo sau khi Hiệp định RCEP chính thức được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Việc thực thi hiệp định này sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, việc thực hiện hiệp định sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. Ngoài ra, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiêp, đặc biệt là DNNVV.. Vì vậy, chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo