Thị trường

Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng

DNVN - Ngày 19/1, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, nhờ kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn nên sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn không bị đình trệ kéo dài. Những tháng cuối năm 2020 hoạt động xuất nhập khẩu của TP Đà Nẵng có tín hiệu khả quan, tích cực hơn.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng đảm bảo phục vụ khách chu đáo, an toàn phòng chống dịch trong dịp Tết / Chính phủ chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt trên 1.560 triệu USD

Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, kinh tế của Việt Nam và hoạt động xuất nhập khẩu của Đà Nẵng. Do vậy, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của TP ước giảm 4% so với năm 2019 (đạt 1.563,7 triệu USD); trong đó doanh nghiệp trong nước ước giảm 4,2% (đạt 717,7 triệu USD), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước giảm 3,9% (đạt 846 triệu USD).

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là một trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng có kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2020

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là một trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng có kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2020

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của TP năm 2020 ước đạt 1.177 triệu USD, giảm 12,4% so với năm 2019; chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp trong nước nhập khẩu ước đạt 690 triệu USD, giảm 13,1%; doanh nghiệp có vốn FDI ước đạt 487 triệu USD; giảm 11,5%.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong nước cũng như tại các nước, vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại các nước có giao dịch thương mại – xuất nhập khẩu lớn với Đà Nẵng (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU...) khiến hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn

“Nổi lên là tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất, khó khăn về thị trường xuất khẩu do nhu cầu hàng hóa giảm; khó khăn trong vấn đề duy trì nguồn lao động và hoạt động sản xuất... Tuy nhiên, nhờ kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bị đình trệ kéo dài. Những tháng cuối năm 2020 hoạt động xuất nhập khẩu của TP Đà Nẵng có tín hiệu khả quan, tích cực hơn!” – Bà Lê Thị Kim Phương cho biết.

Theo ghi nhận của Sở Công Thương Đà Nẵng, các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản chiếm 36,5%; Mỹ 21%, EU 16,3% kim ngạch xuất khẩu của TP Đà Nẵng. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao là Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (185 triệu USD), Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (145,4 triệu USD), Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (99,8 triệu USD), Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (80 triệu USD)...

Xuất khẩu dệt may giảm, thủy sản vẫn duy trì khá tốt…

Bà Lê Thị Kim Phương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Đà Nẵng năm 2020 ước đạt 412 triệu USD, giảm 5,3% so với 2019. Nhu cầu hàng dệt may giảm mạnh do người tiêu dùng trên thế giới chủ yếu quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung chỉ nhận được đơn hàng ngắn hạn. Một số doanh nghiệp dệt may lớn của Đà Nẵng tuy vẫn thực hiện các đơn hàng cho các đối tác lâu năm nhưng do sụt giảm nhu cầu nên giá trị xuất khẩu cũng giảm.

Trong khi đó, so với các mặt hàng chủ lực khác thì xuất khẩu thủy sản vẫn được duy trì khá tốt. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của TP Đà Nẵng duy trì được giá trị xuất khẩu xấp xỉ hoặc giảm nhẹ so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 181 triệu USD giảm 4,7 % so với năm 2019.

Đối với mặt hàng động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, phần lớn do doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP sản xuất, gia công theo đơn đặt hàng của Công ty mẹ tại nước ngoài và do Công ty mẹ điều phối về thị trường xuất khẩu. Đại dịch đã tác động lớn đến nhu cầu thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu... khiến giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng này giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng của các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 518 triệu USD, giảm 4,1%.

Mặt hàng cao su thành phẩm xuất khẩu gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; tuy nhiên từ quý II/2020 đã dần được phục hồi do nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ ổn định trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cao su thành phẩm ước đạt 69 triệu USD, giảm 7,8%.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác cũng giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, như thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 17 triệu USD, giảm 5,4%; đồ chơi trẻ em ước đạt 81,5 triệu USD, giảm 6,3%;

Mục tiêu cho năm 2021

Theo bà Lê Thị Kim Phương bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Việc phục hồi kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào việc khống chế dịch bệnh không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước.

Kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức khó lường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Ở một kịch bản khả quan, dịch bệnh dự kiến được khống chế tốt trên cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh dần có biện pháp thích ứng với diễn biến dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu.

Đồng thời, việc đẩy mạnh các hoạt động triển khai các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP cũng có thể tạo ra những tác động tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. Nhờ đó dự kiến tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 sẽ đạt được kết quả tích cực hơn.

“Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương Đà Nẵng xác định mục tiêu chủ yếu của năm 2021 là theo dõi sát tình hình, kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của TP. Mục tiêu cho năm 2021 là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá dự kiến tăng 6 - 7%, kim ngạch nhập khẩu dự kiến tăng 5 - 6% so với năm 2020” – Bà Lê Thị Kim Phương cho biết.

Đề đạt mục tiêu này, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, trong đó chú trọng việc tổ chức hiệu quả các đoàn khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm tại một số thị trường mục tiêu theo Chương trình xúc thương mại cấp quốc gia và Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của TP; cũng như các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp của TP với doanh nghiệp các nước. Trong đó, tập trung tổ chức các chương trình, sự kiện theo hình thức trực tuyến.

Đồng thời đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu giúp các doanh nghiệp cập nhật và nắm vững các thông tin, nội dung cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là đối với các Hiệp định CPTPP, EVFTA. Từ đó tiếp cận thị trường các nước thành viên các Hiệp định, tận dụng được các lợi ích mang lại, nhất là từ quy tắc xuất xứ hàng hóa, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm, nhất là hàng dệt may, thủy sản, linh kiện điện - điện tử, phụ tùng, đồ gỗ và trang trí nội thất… vào thị trường các nền kinh tế phát triển.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm