Kinh doanh

Sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng mạnh

DNVN - Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, với lượng hàng hóa ước đạt 111,614 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhu cầu đầu tư hạ tầng cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 13 tỷ USD / Ứng dụng công nghệ tự động phát triển cảng biển thông minh

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt 111,614 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Các loại hàng có xu hướng tăng trưởng như hàng xuất khẩu (ước đạt 28,684 triệu tấn, tăng 8%), hàng nhập khẩu ước đạt 33,884 triệu tấn (tăng 16%), hàng nội địa ước đạt 48,593 triệu tấn (tăng 4%) và hàng quá cảnh bốc dỡ ước đạt 454 nghìn tấn.

Đối với hàng container, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính theo Teu (tương đương với 1 container 20 feet) trong 2 tháng đầu năm ước đạt 4,054 triệu Teus, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt 1,323 triệu Teus (tăng 20%), hàng nhập khẩu ước đạt 1,252 triệu Teus (tăng 19%) và hàng nội địa ước đạt 1,478 triệu Teus (tăng 40%).

2 tháng đầu năm, lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng biển ước tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, tháng 1 – tháng đầu tiên của năm 2024 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Nguyên nhân là do tháng 1 năm nay lại là tháng giáp Tết - thời điểm khối lượng hàng hóa thường cao nhất trong năm vì để chuẩn bị cho dịp Tết. Khối lượng hàng hóa trong tháng đầu năm 2024 đạt 68,716 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng hàng tính theo Teu đạt 2,4 triệu Teus, tăng 52%.

Cùng với mức tăng của khối lượng hàng hóa thông qua, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng trong tháng 1 cũng tăng cao 51% với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng đều có mức tăng trưởng từ 43-53% so với cùng kỳ. Quảng Ninh tăng 34,2%, một số khu vực khác có sản lượng tăng như Huế tăng 200%, Thanh Hóa tăng 64,8%, Đồng Tháp và Nghệ An tăng 58%, Quảng Ngãi tăng 62%, Đồng Nai tăng 32%.

Các khu vực Nha Trang, Quảng Ngãi. Quảng Nam, Cần Thơ đều tăng trên 10%. Riêng khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, An Giang ghi nhận mức giảm thấp.

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật đến đầu tháng 2 của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa tồn tại cảng biển và các kho hàng sân bay cũng tăng mạnh. Cụ thể, riêng trong tháng đầu năm nay, lượng container tồn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tăng gần 50% so với tháng cuối năm, từ 825 container lên 1.227 container.

Tương tự, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày trong tháng 12/2023 là 123 dòng hàng, với trên 32,6 tấn, sang tháng đầu năm nay, số lượng hàng tồn đọng tăng lên 134 dòng hàng, với trên 67,6 tấn, tăng hơn gấp hai lần so với tháng 12.

Đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí cho hay, trong nhiều năm qua, đơn vị đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng. Tuy vậy, việc này không chỉ có cơ quan hải quan mà liên quan đến nhiều đơn vị khác, quy trình xử lý, bán đấu giá... phải qua nhiều khâu.

Để xử lý hàng tồn đọng hiệu quả, cần có sự phối hợp thực hiện của các hãng tàu. Trong đó, có các quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm