Thị trường

Kinh tế năm: Thoát 'đáy', thị trường bất động sản dồn lực 'vượt dốc' 2024

Trong năm 2023, bất động sản trở thành tâm điểm quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và xã hội.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá / Cà Mau: Sẵn sàng cho Festival Tôm 2023

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu, minh hoạ: TTXVN)

Trước nỗ lực gỡ vướng chính sách cho thị trường bất động sản, một số khó khăn đã dần được giải quyết. Chính sách có thể vẫn cần thêm thời gian để thẩm thấu nhưng quý cuối cùng của năm 2023 đã ghi nhận sự chuyển mình của thị trường. Đây cũng chính là bước đệm để sau khi thoát “đáy”, bất động sản lấy đà, dồn lực “vượt dốc” tiến dần vào năm 2024.

Thoát khỏi vùng “đáy”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Chính phủ và các bộ, ngành vẫn tiếp tục rà soát để sửa đổi bổ sung pháp luật liên quan tới khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ một cách căn cơ, lâu dài.

Các chuyên gia cho rằng, thông tin về hàng trăm dự án bất động sản được tháo gỡ, tái khởi động trở lại đã giúp thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Mặc dù thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc”, nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, có thể nói, khó khăn nhất năm 2023 của thị trường bất động sản chính là quý I. Số liệu nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, quý I tăng trưởng âm 16,2%. Kết thúc quý II, thị trường vẫn duy trì trạng thái tăng trưởng âm 11,58% nhưng đã giảm được 4,62% so với quý I – ông Châu dẫn chứng

 

Cho đến thời điểm kết thúc quý III, tuy vẫn còn tăng trưởng âm 8,71% nhưng thị trường đã giảm thêm 2,87% so với 2 quý đầu của năm 2023. Tính chung sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm khoảng 42,3% so với quý đầu tiên của năm. Theo đà, quý IV cũng ghi nhận mức độ khó khăn tiếp tục giảm và đang tích lũy để dần phục hồi vào quý đầu của năm 2024.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, theo ông Châu, thì chỉ cần vài nghìn giao dịch thành công trong quý cũng là con số đáng khích lệ, tạo động lực cho thị trường. Điều quan trọng nhất là thị trường đã thực sự “thoát đáy”.

“Thị trường bất động sản hiện nay có cơ hội nhiều hơn thách thức, bởi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang phục hồi. Kể từ quý III/2023, số giao dịch thành công đã đạt hơn 5.000 cùng 300 dự án mở bán. Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư và lượng giao dịch bất động sản đang quay trở lại” – Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia phân tích.

Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services nhận định, khi chạm đến “đáy” thì sớm hay muộn cũng phải đến thời điểm thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Mặc dù, quý IV/2023 thị trường bất động sản chưa có tăng trưởng đột biến nhưng chắc chắn tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ những thông tin về sự chuyển biến tích cực của toàn thị trường, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ cuối quý IV/2023 và sẽ phục hồi rõ nét hơn vào những tháng đầu của năm 2024.

 

Vượt qua khó khăn, thị trường bất động sản “thoát đáy” cũng là nỗ lực và mong đợi của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Thông tin về hàng trăm dự án bất động sản được tháo gỡ, tái khởi động trở lại đã giúp thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Mặc dù vẫn trong giai đoạn phải “vượt dốc” nhưng thị trường đã được tiếp thêm động lực để tăng trưởng.

Động lực “vượt dốc”

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian qua, trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã sát sao trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá cụ thể những khó khăn vướng mắc liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Từ đó, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể cho các dự án bất động sản.

Mới đây, tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản. Và điều này cũng đúng với thực tế của năm 2023 khi cả hệ thống chính trị nhập cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có để khôi phục thị trường bất động sản; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý và tài chính. Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Hiệu quả của chính sách là động lực quan trọng nhất để thị trường bất động sản “vượt dốc” thành công, tiến tới mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 4 chính sách được thông qua. Cụ thể là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tiếp đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó là Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 20/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".... Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn trực tiếp chủ trì 2 hội nghị trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV sẽ góp phần giải quyết đáng kể những “nút thắt” đang “trói” thị trường và doanh nghiệp. Cùng đó, Luật Đất đai dự kiến cũng sẽ sớm thông qua trong kỳ họp gần nhất để đồng bộ hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Chính sách tiền tệ cũng chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Tiến sỹ Cấn Văn Lực dẫn chứng, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất giảm dần. Cùng đó là nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ, đảo nợ… Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản.

 

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, khác với trước đây, hiện thị trường, doanh nghiệp không chỉ ngồi im chờ hỗ trợ của Chính phủ mà cũng chung tay cùng tháo gỡ. Thời gian qua có rất nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.

Từ đó, những khó khăn vướng mắc được chỉ rõ; trong đó, có khoảng 70% liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý. Đặc biệt là liên quan đến khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất… Những liều thuốc để “trị bệnh” cho thị trường bất động sản đã dần ngấm.

Riêng với “nút thắt” pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thời gian tới liên ngành vẫn tiếp tục rà soát lại những vấn đề này ở từng dự án và đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Khi Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với địa phương thì thấy rằng, địa phương nào quyết tâm vào cuộc cùng gỡ khó sẽ giúp được doanh nghiệp giải quyết vướng mắc nhanh chóng.

Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ “đảo chiều” vào năm 2024 trong điều kiện chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm