Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong biến động
CPTPP và EVFTA : Cơ hội để thủy sản Việt Nam phát triển bền vững / Đơn hàng giảm 30%, xuất khẩu dệt may khó cán đích
Để có được kết quả này, nhiều giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua.
Những chỉ số tích cực của kinh tế vĩ mô trong 7 tháng đầu năm đã cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng khi mà kinh tế thế giới khó khăn và tăng trưởng của nhiều quốc gia, kể cả những nước lớn đang giảm mạnh.
Những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam trong những đầu năm cũng đã được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận khi liên tiếp đưa ra những đánh giá, xếp hạng lạc quan. Đó là chỉ số phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam vừa được nâng 3 bậc, xếp thứ 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN.
Tương tự, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN. Còn chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 7 cũng đã tăng so với tháng trước đó với 52,6 điểm. Nếu so với các nước ASEAN, Việt Nam đứng sau Myanmar và xếp trên Philippines và Thái Lan.
Ảnh minh họa.
Kinh tế toàn cầu và khu vực đều được dự báo suy giảm mạnh trong năm nay nhưng Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu: tăng trưởng đạt 6,8% và lạm phát dưới 4% cho cả năm 2019. Đây là những mục tiêu hoàn toàn có cơ sở, bởi chính các định chế tài chính lớn trên thế giới như ADB, IMF hay HSBC hiện cũng đưa ra các dự báo tương tự với triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam.
Những kết quả này cũng cho thấy sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, cũng có nghĩa là chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới. Một trong những biểu hiện rõ nhất, đó là các cuộc chiến thương mại trên thế giới đang khiến cho xuất khẩu của nhiều nước, kể cả những nước lớn như Trung Quốc gặp khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt.
Dù rất khó khăn nhưng xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn đạt mức 145 tỷ USD, tăng trên 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó góp phần duy trì mức xuất siêu 1,8 tỷ USD. Điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam vẫn được đón nhận tại nhiều thị trường quốc tế, bất chấp những căng thẳng thương mại diễn ra trên toàn cầu. Kết quả này có được phải nhắc tới những nỗ lực ổn định tỷ giá khi mà đồng USD đã tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác và nhiều quốc gia có xu hướng phá giá đồng nội tệ để hạn chế thiệt hại và khuyến khích xuất khẩu.
Ổn định tỷ giá giữa cuộc chiến thương mại
Từ đầu năm đến nay, đồng USD liên tiếp mạnh lên, nhiều nước trong khu vực phải phá giá đồng nội tệ nhưng tỷ giá VND/USD không ghi nhận biến động lớn so với thời điểm đầu năm.
Chính vì giữ được sự ổn định tỷ giá nên cơ quan điều hành tiền tệ của Việt Nam vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ, bổ sung cho Quỹ dự trữ ngoại hối của Quốc gia vốn đã ở mức kỷ lục. Cũng nhờ ổn định kinh tế vĩ mô mà 7 tháng qua, dòng vốn ngoại vào Việt Nam qua góp vốn mua cổ phần đã lên tới 8,5 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào là cơ sở để đảm bảo sự ổn định cho tỷ giá, đồng thời tích cực hỗ trợ cho xuất khẩu và tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất.
Các chuyên gia dự báo, tỷ giá tiền đồng so với USD từ nay tới cuối năm nếu có biến động cũng chỉ nhích nhẹ trong ngưỡng cho phép dưới 3% và lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Lạm phát nằm trong tầm kiểm soát
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những nỗ lực trong kiểm soát lạm phát để đảm bảo kinh tế tăng trưởng cao nhưng bền vững trong những tháng đầu năm. Thực tế cho thấy, giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong nửa đầu năm nay đã có những biến động mạnh như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... Nhưng nhờ sự quyết tâm kiểm soát, lạm phát bình quân 7 tháng đã ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, góp phần làm tăng gam màu sáng cho kinh tế Việt Nam và là cơ sở để hướng tới mục tiêu kiểm soát chỉ số này ở mức 4% trong cả năm 2019.
Sau 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng trong nước đã có lần điều chỉnh giảm đầu tiên, từ 1/8 với mức giảm hơn 370 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc dư địa cho các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát được nới rộng hơn. Mục tiêu 4% cũng bớt áp lực và căng thẳng hơn.
Phòng ngừa lạm phát có thể tăng cao, Chính phủ cũng đã có nhiều kịch bản để sẵn sàng đối phó. Nếu giá cả một số mặt hàng thiết yếu có nguy cơ tăng đột biến, nhiều biện pháp kiềm chế nhằm tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân có thu nhập thấp luôn sẵn sàng.
Cần phải có lộ trình với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá như dịch vụ y tế, giáo dục và các mặt hang thiết yếu khác. Bộ Công Thương và tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường. Các bộ ngành chức năng khác tiếp tục giám sát việc kê khai các mặt hàng phải kê khai giá.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong ba năm gần đây và là tín hiệu tích cực để kiểm soát giá cả, theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Lạc quan với kết quả phát triển kinh tế xã hội trong 7 tháng vừa qua nhưng điều đó không có nghĩa nền kinh tế Việt Nam đã hết thách thức trong những tháng cuối năm. Ngoài các yếu tố khách quan như mưa bão ở miền Bắc, nắng nóng gay gắt, kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên và dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành còn các dự án, công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm chậm tiến độ hay giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và vốn ODA hiện vẫn còn thấp… Đây đều là những thách thức cần phải vượt qua.
Trong cuộc họp Chính phủ ngày 1/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, kết quả về phát triển kinh tế xã hội 7 tháng qua của Việt Nam là rất mừng, nhất là trong bối cảnh kinh tế các nước và thế giới đều dự báo giảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu, càng khó khăn, càng phải có ý chí vượt khó, quyết tâm càng phải cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách và đặc biệt cần rà lại về các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở phát triển chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo