Kỳ vọng nâng hạng "tiếp sức" thị trường chứng khoán
Giá xăng lại tăng / Ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
Thị trường chứng khoán mở đầu phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày với việc chỉ số chính VN-Index tăng hơn 10 điểm lên 1.234,98 điểm, khối lượng giao dịch lớn hơn 1 tỷ cổ phiếu.
Chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng. Để thị trường tăng 1 cách bền bỉ như vậy trong nhiều tháng qua, có thể nói là niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư phải đủ lớn. Niềm tin này xuất phát từ hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như giảm lãi suất cho vay, giảm thuế VAT, hay mới đây là việc sửa đổi Thông tư 06/NHNN hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệpbất động sản. Sự thẩm thấu của chính sách đang dần phản ánh lên "hàn thử biểu" của nền kinh tế chính là sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết.
Niềm tin trên thị trường đầu tư chứng khoán phục hồi
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán SmartInvest: PMI tháng vừa đưa ra sau vài tháng dưới 50 đã quay trở lại trên 50 vì 1 số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta đang phục hồi trong 2-3 tháng gần đây, dù chưa quá mạnh mẽ nhưng xu hướng theo tôi thấy là tích cực
Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital: Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục quay trở lại từ cuối năm nay và năm sau chúng ta sẽ chứng kiến sự hồi phục đó mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, cũng giống như các nhà đầu tư tổ chức khác thì thông thường khi nhìn vào thị trường, chúng tôi thường nhìn với tầm nhìn trước khoảng 6 tháng cho tới 1 năm. Với tầm nhìn đó thì chúng tôi hoàn toàn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Trần Hải, nhà đầu tư: Niềm tin nhà đầu tư lớn hơn nên thanh khoản và điểm số tăng nó phản ánh tính cơ bản của thị trường. Hiện nay mà bất cứ động thái nào để chính sửa để có thể tiếp cận nâng hạng thị trường thì đều hết sức tích cực, nhất là chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy nhiều nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào các sửa đổi chính sách để giúp Việt Nam có thể nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong cuộc gặp cuối tháng 8 giữa UBCKNN và cộng đồng đầu tư quốc tế tại Hong Kong (Trung Quốc).
Hiện có hai nút thắt lớn nhất để Việt Nam chưa được nâng hạng là vấn đề Bù trù thanh toán và Tỷ lệ sở hữu Nhà đầu tư ngoại.
Hiện nay Việt Nam đang yêu cầu thanh toán theo cơ chế Prefunding (Ký quỹ tiền trước vào ngày T+0 rồi chờ nhận cổ phiếu về vào T+2,5), tuy nhiên theo thông lệ quốc tế là Delivery vs Payment (tức là cổ phiếu về vào T+2,5 thì lúc đó mới đưa tiền). Điều này giúp nhà đầu tư ngoại hạn chế các rủi ro chênh lệch tỷ giá và tối ưu nguồn vốn.
Đồng thời, để nhà đầu tư ngoại cũng yên tâm hơn khi đem một lượng tiền lớn giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam, họ cần có ngân hàng thương mại quốc tế vào làm công tác lưu ký, đảm bảo nguồn vốn cho họ. Điều này cần có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên nhiều năm nay, 1 trong những quyết định cần thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo kinh nghiệm từ quốc tế, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) này, phương án tối ưu là cần có ngân hàng lưu ký tham gia vào làm thành viên bù trừ dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương.
Ông Tsuyoshi Imai, Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Nhật Bản, nói: "Ngân hàng Trung ương của Nhật Bản có hệ thống tài khoản liên kết với các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại đều có khoản tiền dự trữ tại NHTƯ và dùng 1 phần tiền này để ký quỹ cho giao dịch của NĐT nước ngoài khi mua cổ phiếu. Ngân hàng TM, CTCK, Trung tâm lưu ký đều là thành viên trong hệ thống đối tác bù trừ trung tâm. Rủi ro là rất thấp với cả nhà đầu tư quốc tế, CTCK và ngân hàng.
Trong khi chờ CCP, một số giải pháp kỹ thuật đang được nghiên cứu để Việt Nam trước mắt xử lý vấn đề prefunding chính là cho phép các công ty chứng khoán bù trừ thanh toán, hỗ trợ ứng 1 phần tiền cho NĐT ngoại mua cổ phiếu và NĐT ngoại sẽ hoàn đủ tiền khi cổ phiếu về tài khoản.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán SmartInvest cho biết: "Nguồn vốn CTCK lúc này cũng đang tăng lên nhiều, gồm cả vốn chủ và vốn vay. Chúng ta biết vốn vay của họ cũng nhiều bên chạm mức tỷ USD rồi và họ cũng có thể vay thêm nguồn tối đa gấp đôi thì hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Bên cạnh vấn đề thanh toán, tỷ lệ sở hữu NĐT ngoại cũng là câu chuyện nhức nhối khi Việt Nam cho phép ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết tự quy định tỷ lệ sở hữu NĐT ngoại, điều này hạn chế rất lớn sự tiếp cận của NĐT ngoại.
Ông Tsuyoshi Imai, Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Nhật Bản: Tôi đồng ý là 1 số ngành như truyền hình, điện nước hay liên quan đến bảo mật an ninh thì nên giới hạn sở hữu nước ngoài, nhưng có rất nhiều ngành nghề kinh doanh tôi không hiểu họ cố chặn tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài làm gì, mục tiêu lên niêm yết thị trường chứng khoán là để huy động vốn cơ mà.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán SmartInvest: Việt Nam có thể tham khảo mô hình Trung Quốc họ xây các chứng khoán hạng B, hạng C cho NĐT ngoại hay tham khảo Thái Lan với chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, cái này chúng ta có cả Thông tư, Nghị định hướng dẫn rồi, nó cũng rất phù hợp vì NĐT ngoại vẫn được giao dịch mà không phạm vào giới hạn cổ phần.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Chúng tôi cũng đã trình các kiến nghị tới Chính phủ và qua đó có chỉ đạo tới NHNN và Bộ Kế hoạch đầu tư để chúng ta sớm xử lý và nâng hạng…
Qua phân tích có thể thấy nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là nhiệm vụ riêng của UBCKNN và nếu NHNN và Bộ Kế hoạch đầu tư sớm chung tay tháo gỡ nút thắt, những vấn đề tồn tại nhiều năm qua có thể sớm được giải quyết. Nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi không chỉ là để có 1 thị trường chứng khoán sôi động hơn, đó còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tiếp cận hàng chục tỷ USD vốn quốc tế và từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo