Lai Châu: Bình Lư chuyển đổi chăn nuôi
Tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa / HTX Phú Bình, Đồng Tháp: Gia tăng lợi ích môi trường trong chăn nuôi
Chuyển hướng thành công
Trước khi cơn bão dịch tả lợn ập đến, chính quyền xã Bình Lư đã chủ động khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển mô hình theo hướng sạch, chú trọng bảo vệ môi trường, nhằm mở hướng phát triển lâu dài, bền vững.
Thực tế, các mô hình hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn cũng đã có sự phát triển ổn định, mỗi hộ nuôi bình quân 5 – 10 con lợn thịt, mang lại hiệu quả kinh tế khá, các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, khi dịch tả lợn ập đến, hầu hết các hộ phải tiêu hủy, treo chuồng nuôi. Trước nguy cơ xảy ra, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển hướng sang nuôi các vật nuôi khác như gà, vịt, trâu, bò, dê… theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường và đã cho thấy hiệu quả rất tích cực.
Chị Hoàng Thị Thủy (bản Tân Bình) đang là một trong những gương điển hình tiêu biểu nhất trên địa bàn thực hiện thành công mô hình chuyển đổi từ nuôi lợn thương phẩm sang nuôi nhiều vật nuôi kết hợp theo hướng hữu cơ.
“Hồi tháng 5, sau khi bị tiêu hủy mất 51 con lợn, tôi quyết định rắc vôi bột, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và tiến hành nuôi gà, vịt kết hợp nuôi cá. Rút kinh nghiệm từ nuôi lợn, giờ tôi luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường sạch, nhằm giảm thiểu dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi”, chị Thủy cho hay.
Nhờ sản xuất sạch, mô hình chăn nuôi của chị Thủy nhanh chóng cho thấy những hiệu quả thiết thực. Ngay trong lứa đầu tiên xuất chuồng, đàn gà và vịt giúp chị thu về hơn 20 triệu đồng, hai ao nuôi cá cho thu hoạch gần 3 tấn cá, doanh thu đạt gần 60 triệu.
Tiếp tục phát huy
“Trong cái rủi có cái may”, dịch tả lợn khiến đàn lợn bị tiêu hủy, song lại khiến nhu cầu tiêu thụ các vật nuôi khác tăng lên, qua đó, các tiểu thương về tận xã để thu mua các vật nuôi khác như gà, vịt, ngan, ngỗng…
Thị trường được khơi thông giúp tỷ lệ gia cầm của xã tăng mạnh. Theo người dân bản Nà Phát, việc chuyển hướng từ nuôi lợn sang gia cầm không chỉ là tạm thời mà đang mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho người chăn nuôi.
Anh Vàng Văn Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư, cho hay: “Những hộ có ao, hồ thì phát triển mô hình nuôi cá, kết hợp với nuôi vịt thịt. Các chuồng nuôi lợn cũ được các hộ tận dụng để nuôi gà theo hướng hữu cơ. Các mô hình đều cho thấy những lợi ích thiết thực về kinh tế và vệ sinh môi trường”.
Được biết, sau khi bão dịch tả lợn đi qua, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh môi trường, chăn nuôi an toàn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngăn nguy cơ tái phát dịch.
Hiện toàn xã đang có hơn 6.000 con gia súc, gần 27.000 con gia cầm, xấp xỉ 30 ha nuôi thả thủy sản với tổng sản lượng hơn 60 tấn/năm. Một số bản phát huy hiệu quả cao trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi như Hưng Bình, Tân Bình, Nà Phát…
“Chính nhờ những khó khăn gặp phải, ý thức sản xuất của người dân địa phương được nâng lên. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng đa con, chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, chú trọng sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo nên những giá trị bền vững”, anh Ngọc nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo