Thị trường

Lãi suất giảm, tín dụng đổ mạnh vào bất động sản

Chịu tác động từ quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thị trường giảm nhu cầu do dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được đà tăng.

Sẽ vô hiệu hoá thẻ ngân hàng nếu không hoạt động 90 ngày / Gần 32 triệu lao động Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Tin-dung-BDS-4707-1601977984.jpg

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý I/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23%, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì, đến cuối tháng 6/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 5,69% so với cuối năm 2019, chiếm 19,71% tổng dư nợ tín dụng.

Nhu cầu vay vốn mua nhà ở tăng cao

Từ đầu tháng 8 vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay mua nhàtrả góp. Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, đây là mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lãi suất vay mua nhà thấp nhất thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Woori Bank, Shinhan Bank, ở mức 6,49 - 8,8%/năm áp dụng cố định cho khoản vay từ 1 - 3 năm.

Ghi nhận tại các ngân hàng trong nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất cố định năm đầu tiên cho khách hàng vay tiền mua nhà so với thời điểm đầu năm từ 1 - 2%/năm. Hiện, lãi suất vay mua nhà trung bình thuộc về nhóm các ngân hàng như: Maritime Bank, TPBank, BIDV, PVCombank, Vietcombank, Techcombank... có mức lãi suất phổ biến dao động từ 7,7 - 10%/năm trong vòng 1 - 3 năm đầu tiên tùy ngân hàng.

Theo lý giải của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay mua nhà có thể giảm được vào thời điểm này là do nhiều ngân hàng đang khá dồi dào về nguồn vốn, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm vừa qua, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (phục vụ nhu cầu về nhà ở).

Trong khi đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ bất động sản ngày càng giảm. Cụ thể, đến cuối năm 2017 là 45,63%, cuối năm 2018 là 35,49% và cuối năm 2019 là 32,95%.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay lại tăng gấp gần 4 lần dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng. Cụ thể, tín dụng bất động sản kinh doanh tăng 11,18%, chiếm 34,66% tổng dư nợ tín dụng, còn tín dụng BĐS phục vụ nhu cầu về nhà ở chỉ tăng 3%, chiếm 65,34% tổng dư nợ.

Vốn vào bất động sản "đang đi" đúng hướng?

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về tình hình thị trường bất động sản trong quý II/2020. Theo đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quí trước và có những tín hiệu lạc quan, tích cực.

Đến nay, thị trường đang dần từng bước khôi phục lại sau thời gian giãn cách xã hội và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng phát triển. Lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước tăng khoảng 30 - 40% so với quý I/2020.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng đã tạo ra "cú hích" cho thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. "Có đến 60% người đi mua nhà đều có nhu cầu vay tiền ngân hàng, bên cạnh vốn tích lũy, vay mượn của người thân", ông Minh nói.

Góc độ là chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp năm nay, nỗ lực đẩy mạnh tín dụng là không dễ dàng, do đó tín dụng vào lĩnh vực bất động sản một cách lành mạnh, trong tầm kiểm soát là tín hiệu tích cực.

Ông Hiếu phân tích, các nhà băng đã tích cực huy động vốn trung và dài hạn từ cuối năm 2019, không chỉ bằng việc tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài mà còn bằng việc phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn. Nhờ đó, nguồn vốn cung ứng ở các ngân hàng cho thị trường bất động sản không hẳn là thiếu.

Đặc biệt, mới đây NHNN đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

Thực tế, Thông tư 22 không hẳn là siết mà chỉ là nắn chỉnh dòng vốn tín dụng. Theo đó, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, tỷ lệ này ở nhiều ngân hàng vẫn còn khá thấp so với mức giới hạn nêu trên nên khả năng cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực này vẫn khá tốt.

Trong văn bản NHNN cũng nhấn mạnh: “Việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm