Lạng Sơn kiến nghị tìm cách giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu qua kênh ngoại giao
DNVN - Cục Hải quan Lạng Sơn vừa kiến nghị các bộ, ngành thông qua kênh ngoại giao trao đổi với phía Trung Quốc có biện pháp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thông thương hàng hóa trên tuyến biên giới đường bộ hai nước, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ú hàng hóa đang xảy ra.
Phát triển cụm liên kết ngành: Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý thế nào? / Trợ lực quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn gửi Văn phòng Chính phủ, trong khi nông sản xuất khẩu Trung Quốc dồn ứ tại cửa khẩu chưa được thông quan thì lượng xe từ các tỉnh nội địa lên Lạng Sơn vẫn gia tăng, đang tạo ra áp lực rất lớn về bến, bãi và khả năng thông quan của địa phương này.
Số liệu thống kê của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, đến nay vẫn còn 4.357 xe nông sản ùn ứ tại 3 cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh và Hữu Nghị. Trong khi đó, năng lực thông quan mỗi ngày tại các cửa khẩu chỉ khoảng 300 xe. Thêm vào đó tại các cửa khẩu phụ: Binh Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng, Cốc Nam, Co Sâu, Bản Chắt phía Trung Quốc đóng cửa, hiện nay vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Đến thời điểm ngày 20/12 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị duy trì hoạt động thông quan hàng hóa nhưng lượng hàng hóa được thông quan diễn ra chậm.
Về nguyên nhân xảy ra tình trạng ùn ứ, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc tiếp tục dừng nhập khẩu một số hàng nông sản tại một số cửa khẩu ở các tỉnh biên giới khác khiến hàng hóa tập trung nhiều về địa bàn Lạng Sơn. Một nguyên nhân trực tiếp là các cặp cửa khẩu song phương liên tiếp dừng thông quan do phát hiện các ca nhiễm COVID-19 hoặc trục trặc kỹ thuật.
Cục Hải quan Lạng Sơn kiến nghị tăng năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn qua kênh ngoại giao để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ú hàng hóa đang xảy ra.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện tượng hàng hóa dồn về cửa khẩu với số lượng lớn một phần cũng do không có sự phối hợp điều tiết phù hợp lượng hàng hóa từ các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu tại các địa phương đã gây ùn ứ tại các khu vực cửa khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thông quan, gây khó khăn và làm hạn chế năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều văn bản thông tin, khuyến cáo về tồn dư lớn lượng hàng hoá chờ xuất khẩu cũng như các biện pháp áp dụng để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu trên địa tỉnh Lạng Sơn liên tục gia tăng, xuất hiện tình trạng ùn tắc hàng hóa với số lượng lớn.
Điều này đã khiến khu vực bến bãi tại các cửa khẩu quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển.
Trong khi đó, Cục Hải quan Lạng Sơn dẫn thông báo của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cho hay, dự kiến Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết. Nếu Trung Quốc thực hiện như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Để hoạt động thông quan đạt hiệu quả cao hơn, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ hàng hóa đang xảy ra, Cục Hải quan Lạng Sơn đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị các bộ, ngành thông qua kênh ngoại giao trao đổi với phía Trung Quốc có biện pháp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận cho hoạt động thông thương hàng hóa trên tuyến biên giới đường bộ hai nước. Qua đó, giải quyết tình trạng ách tắc hiện nay để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới khi nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa tăng cao.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành thông tin đến các hiệp hội ngành hàng về tình hình thực tế tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay để có biện pháp điều tiết hợp lý từ xa trước khi đưa hàng hoá và phương tiện lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp...
Với UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nắm thông tin, liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản minh bạch, công khai có lợi cho người nông dân.
Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản. Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến nông sản để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo