Trợ lực quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Xuất khẩu tăng, người nuôi cá tra vẫn thua lỗ / Doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không xuất khẩu gạo
Xây dựng cụm công nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tính chung 11 tháng chỉ số này đã tăng 3,6%.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, để có được kết quả phục hồi ấn tượng này sau một giai đoạn dịch bệnh kéo dài, ngoài các gói hỗ trợ kịp thời, trúng đích từ Trung ương thì sự đồng hành của chính quyền địa phương cũng là trợ lực hết sức quan trọng.
Hiện tại một số địa phương là thủ phủ công nghiệp như là Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… các doanh nghiệp sản xuất hầu như đã khôi phục đáng kể công suất hoạt động. Không ít nhà máy ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc số lượng lao động quay trở lại nhà máy cũng đã gần đạt đến 100%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó 88% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có từ 300 lao động trở xuống). Đây cũng là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch bệnh.
Do vậy, việc tập trung vào các giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này cũng là công việc trọng tâm mà các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Cả nước hiện có gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Cụm công nghiệp Nghĩa Hoà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được thành lập từ năm ngoái, trên cơ sở đã có một doanh nghiệp may mặc lớn đặt nhà máy tại đây. Hiện còn 34 ha đất sạch được tỉnh Bắc Giang quy hoạch để mở rộng và thu hút thêm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt mặc để hình thành nên một chuỗi giá trị bền vững.
Bà Chu Thị Thu Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Bắc Giang LGG cho hay: "Khi làm thành cụm công nghiệp chúng tôi sẽ thu hút các phụ trợ của ngành may mặc và những nhà máy dệt, nhà máy may khác nữa để có thể xây dựng một chuỗi cung ứng, dần dần để giảm thiểu những vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây cũng là một cách phát triển bền vững lâu dài".
Tỉnh Bắc Giang hiện có 45 cụm công nghiệp chuyên ngành và đa ngành đã được thành lập, phục vụ cho việc phát triển các lĩnh vực như cơ khí, dệt may, hoá chất, vật liệu mới… Mục tiêu từ nay đến năm 2030, sẽ có thêm gần 20 cụm công nghiệp nữa được địa phương này thành lập.
"Ngay từ đầu năm 2020 tỉnh Bắc Giang đã có định hướng phát triển các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ phục vụ cho hoạt động sản xuất chính ở trong các cụm công nghiệp để doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nếu như có dịch bệnh xảy ra", ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nói.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã chỉ đạo thành lập "Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp" tại các sở ban ngành và địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Đồng thời kết nối và tìm kiểm đầu ra cho sản phẩm.
"Những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này thường thường là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng công nhân không nhiều. Tỉnh đã thành lập 40 tổ công tác để đi đến các doanh nghiệp hỗ trợ trong phòng chống dịch để làm sao các doanh nghiệp này duy trì sản xuất một cách tốt nhất", ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Doanh nghiệp FDI mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Trước đây thường các địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng một số nguồn lực như là vốn, mặt bằng, nguồn nhân lực hay thủ tục hành chính… nhưng khi dịch bệnh xuất hiện lại cần có thêm sự đồng hành, phản ứng kịp thời của chính quyền địa phương để doanh nghiệp nhanh chóng có các phương án đối phó và thích ứng với tình hình.
Khi dịch COVID-19 tấn công vào các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp thì sự đồng hành của chính quyền cũng không kém phần quan trọng so với những trụ cột còn lại. Thậm chí ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, việc này còn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là quan trọng nhất.
Thời điểm này, chính quyền nhiều nơi đã phải tiếp tục xắn tay vào để cùng doanh nghiệp tìm cách phục hồi, gỡ gạc lại sản lượng sụt giảm do ngưng trệ sản xuất trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Mới đây, tại tỉnh Bắc Giang, mô hình cụm công nghiệp đang được triển khai. Mặc dù xét về quy mô cụm công nghiệp sẽ có diện tích nhỏ hơn khu công nghiệp nhưng đây lại được xem là lợi thế vì sẽ dễ hơn trong công tác quy hoạch và bố trí đất đai, để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cụm công nghiệp sẽ được phát triển bằng việc mở rộng, thu hút thêm các ngành nghề phụ trợ cho một hoặc một vài nhà máy sản xuất chính đã sẵn có. Mục tiêu là hình thành nên các chuỗi cung ứng khép kín tại chỗ, các hệ sinh thái bền vững cho sản xuất công nghiệp, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung cho các ngành sản xuất như trong đợt dịch vừa qua.
Còn ở một số địa phương khác như Bắc Ninh, Hải Dương cũng đã có những giải pháp cụ thể, tập trung vào những nguồn lực là thế mạnh để hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về tư vấn cải tiến, nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ hàng lỗi và tồn kho, kết nối để tiếp cận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các tập đoàn đa quốc gia.
Địa phương là một cầu nối rất quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có thể tìm đến nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước kết nối ban đầu, còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước muốn tham gia được vào các chuỗi giá trị bền vững, mang tính chất toàn cầu thì vẫn phải dựa vào chính năng lực và sự tiến bộ của mình.
Tại tỉnh Bắc Giang, mô hình cụm công nghiệp đang được triển khai. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hầu hết các FDI đều mong muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hoá bởi những lợi ích về logistics, thuế, hải quan, tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương cũng như hướng tới sản xuất bền vững, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Thế nhưng, hiện quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn rất hạn chế.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay nhưng công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Do vậy, sự cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ và nguồn nhân lực là các yêu cầu then chốt.
Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam là doanh nghiệp may mặc 100% vốn từ Hong Kong (Trung Quốc) này đã đặt nhà máy tại Việt Nam gần chục năm nay, nhưng tỷ lệ nội địa hoá hiện mới đạt khoảng 10%. Doanh nghiệp nhìn nhận đây là con số còn khá khiêm tốn và mong muốn có thể tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều cốt lõi là các nhà cung ứng trong nước phải đảm bảo được các yêu cầu từ của bên thứ 3, tức khách hàng của các FDI.
Ông un Purin Kaowsiri - Tổng giám đốc Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam cho hay: "Chúng tôi có kế hoạch từng bước tăng tỷ lệ nội địa hoá thông qua việc hợp tác trực tiếp với các nhà cung cấp trong nước. Là thành viên của Hiệp hội dệt may Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và làm việc với các thành viên khác của hiệp hội nhằm hướng tới sản xuất bền vững"
Công ty TNHH Samkwang Vina là một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc hiện đang có 35 nhà cung ứng nguyên phụ liệu và gia công trong nước ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Nhu cầu mở rộng thêm mạng lưới công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá là không nhỏ.
"Các nhà cung ứng Việt Nam cần đảm bảo đầu tiên là về chất lượng, đơn giá và điều kiện giao hàng. Thứ hai là cần thông qua hệ thống đánh giá công ty của chúng tôi. Thứ ba là cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ công tác phòng chống dịch, vừa an toàn vừa sản xuất", ông Song Jong Deuk - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samkwang Vina cho hay.
Doanh nghiệp FDI mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Các doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, địa phương là một trong những cầu nối quan trọng để kết nối và giới thiệu các doanh nghiệp trong nước có uy tín và tiềm năng, từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn bởi môi trường kinh doanh ổn định, nhân công giá rẻ, các chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí nhân công có tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, nếu ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa học hỏi, sáng tạo được các công nghệ, kỹ thuật sản xuất thì sẽ có thể mất đi cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị của các FDI.
Trong một khảo sát mới đây của Bộ Công Thương, có một điểm đáng chú ý là mặc dù các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều thừa nhận còn yếu về năng lực nghiên cứu, quản lý, mở rộng thị trường nhưng khi được hỏi cần giải pháp hỗ trợ gì phần lớn lại mong muốn các hỗ trợ về thuế, thủ tục hành chính hay về vốn, không phải các giải pháp khắc phục những điểm yếu đã được doanh nghiệp xác định trước đó.
Vì vậy, công tác thiết kế và triển khai các chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp đang gặp phải những thách thức không nhỏ bởi vẫn còn sự khác biệt về nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp trong ngành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam